Cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe tại Nhật
Số lượng các vụ phá sản trong ngành chăm sóc sức khỏe Nhật tăng đột biến trong khi trên thực tế số lượng người già ở Nhật cần chăm sóc ngày càng tăng. Tại sao lại có nghịch lý này?
Theo tổ chức nghiên cứu Tokyo Shoko Research, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, đã có đến 55 vụ phá sản, mức tăng đến hơn 50% so với năm 2014. Hơn một nửa trong số các công ty phá sản lần này là các công ty mới gia nhập thị trường, chủ yếu được thành lập sau năm 2010.
Năm 2015 nhiều khả năng là năm phá sản tồi tệ nhất trong lịch sử ngành chăm sóc sức khỏe Nhật. Đáng chú ý, điều này diễn ra trong khi số lượng các vụ phá sản nói chung trong nền kinh tế Nhật đang giảm.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Vậy điều gì đã dẫn đến tình trạng trên? Ngành chăm sóc sức khỏe Nhật đang thiếu nhân lực trầm trọng. Dù công nghệ y tế Nhật rất hiện đại nhưng có rất nhiều công việc phải cần đến bàn tay con người thì Nhật không có người để làm, chất lượng chăm sóc y tế, đặc biệt cho người già, đang ngày một đi xuống.
Áp lực công việc quá cao được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến một loạt các vụ y tá tấn công hoặc sát hại bệnh nhân cao tuổi trong thời gian gần đây. Có thể kể đến vụ y tá đẩy chết một cụ già 89 tuổi tại Kanagawa hay một điều dưỡng khác đã đánh một cụ già khác tại Yokohama.
Những công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới được thành lập đối diện với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Giới trẻ Nhật không mấy mặn mà với nghề nghiệp được cho là đãi ngộ kém, cường độ làm việc cao. Còn nếu để tuyển lao động nước ngoài thì ngành lại cần trình độ tiếng Nhật rất cao, điều không nhiều ứng viên đáp ứng được.
Đơn cử như một công ty xây dựng tỉnh Kanagawa mới đây đã tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ban đầu khi công ty mới chỉ mở vài cơ sở, mọi chuyện dường như không có vấn đề gì, thế nhưng sau đó khi công ty mở rộng hệ thống quá nhanh, lập tức công ty đối diện với vấn đề thiếu nhân lực.
Với những trường hợp khác, nếu không phá sản, thì cũng không đủ nguồn tài chính để hoạt động vì thế phải bán lại cho những công ty khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Có thể kể đến trường hợp của công ty Watami.
Chiến lược phát triển sai lầm
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng Nhật đã chạy đua trong xu thế “xây trước, nhu cầu đến sau” đối với việc xây các trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Họ thường nghe theo lời khuyên của ban quản lý những khu nhà ở dân cư kiểu như: “Số lượng người già khu vực này đang tăng cao, đến đây mở nhà dưỡng lão đi, chắc chắn ông sẽ kiếm được tiền.” Thế là các công ty cứ đua nhau đến xây mà không tính toán cẩn thận đến việc họ sẽ tuyển nhân sự như thế nào đối với một ngành mà tỷ lệ nộp hồ sơ ứng tuyển thấp nhất tại Nhật.
Trong thập niên vừa qua, số lượng các nhà dưỡng lão tại Nhật đã tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, tỷ lệ ứng tuyển vào ngành luôn ở mức rất thấp, với chỉ khoảng 2,67 đơn ứng tuyển cho một công việc, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật.
Mới đây thôi, giám đốc điều hành một công ty chăm sóc sức khỏe đã phải thốt lên: “Chúng tôi không thể kiếm được đâu ra đủ người làm cho mình!”.
Ngoài ra phải kể đến việc các công ty xây nhà dưỡng lão đã không tính toán và nghiên cứu thị trường cụ thể dẫn đến việc họ không cung cấp dịch vụ chăm sóc trọn đời, trong khi trên thực tế đây mới là dịch vụ mà người già Nhật cần. Chính vì vậy, nhiều người già Nhật không chọn những nhà dưỡng lão quanh khu vực Tokyo mà lên thẳng thủ đô, vì thế sức ép lên hệ thống nhà dưỡng lão Tokyo rất lớn.
Chất lượng dịch vụ kém
Thiếu nhân lực, các doanh nghiệp khó điều hành trại dưỡng lão khó thu hút được người có nhu cầu, đồng thời điều kiện làm việc của chính những nhân viên hiện tại cũng ngày một đi xuống, tỷ lệ bỏ nghề vì thế càng nhiều hơn.
Một nhân viên 71 tuổi của nhà dưỡng lão tại Saitama mới mở cửa mùa xuân năm nay cho biết: “Hàng ngày tôi phải tắm cho đến 12 người già, nhiều người còn ít tuổi hơn cả tôi. Thực sự công việc quá sức chịu đựng.” Số liệu từ nhiều nhà dưỡng lão khác cũng cho thấy tình trạng tồi tệ tương tự.
Những người già đang nhận dịch vụ chăm sóc tại đây phải đối diện với vấn đề bị các nhân viên đối xử tệ bởi họ quá áp lực. Số lượng các vụ tấn công bạo lực và hành hạ tại các nhà dưỡng lão Nhật đã tăng gấp đôi trong 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2013.
Chính vì chất lượng chăm sóc tại nhà dưỡng lão kém như vậy nên tỷ lệ người yêu cầu các dịch vụ chăm sóc tại nhà đang tăng lên. Bộ Y tế Nhật công bố số lượng các đề nghị cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà trong năm tài khóa 2014 vừa qua đã lập kỷ lục cao chưa từng có.
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố thêm một mục tiêu trong chương trình kích thích kinh tế của ông, đó là sẽ không để người Nhật trẻ nào phải bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già. Chắc chắn nếu ông thực sự muốn làm được việc đó, ông sẽ phải thực sự cải thiện được chất lượng của các nhà dưỡng lão.