3G đã mắc, 4G sao dám xài

20/09/2015 17:00 PM | Công nghệ

Các nhà mạng tranh nhau công bố thử nghiệm 4G, thế nhưng bài toán giá cước vẫn là băn khoăn của nhiều người dùng.

Các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile đều công bố chuẩn bị việc triển khai mạng 4G, cụ thể gần nhất là trong tháng 10. Thế nhưng vấn đề giá cước và chất lượng vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người dùng.

Cước 4G sẽ khó có giá rẻ

Ghi nhận trong khu vực, cước 4G tại nhiều thị trường vẫn đang ở mức cao và do đó, khi các nhà mạng tuyên bố giá cước 4G tại Việt Nam sẽ như giá cước 3G hoặc thậm chí thấp hơn là điều không tưởng.

Cước 3G tại nhiều quốc gia được nhiều nhà mạng cung cấp dưới dạng sim, chỉ riêng 4G có gói cước hoàn toàn phân biệt. Đơn cử như Airtel (Ấn Độ) hiện cung cấp 4G với nhiều gói cước khác nhau, trong đó nhấn mạnh miễn phí nội mạng và dịch vụ âm nhạc. Riêng về data, các gói 1.098 INR (tương đương 375.000 đồng), 1.749 INR (gần 600.000 đồng) và 3.249 INR (1.110.000 đồng) tương ứng 3GB, 5GB và 15GB.

Người dùng sẽ mất nhiều tiền hơn khi sử dụng mạng 4G ở Việt Nam.
Người dùng sẽ mất nhiều tiền hơn khi sử dụng mạng 4G ở Việt Nam.

Tại Hong Kong, nhà mạng cung cấp ba gói 4G với mức 38 HKD/2.5GB, 88 HKD/3.5GB và 168 HKD/5GB (1 HKD = 2.900 đồng). Tại Singapore, Singtel cung cấp 4G theo các gói 19SGD/2GB, 29SGD/5GB và 49SGD/10GB (1SGD = 16.000 đồng).

Tại Mỹ, nhà mạng Verizon cung cấp 16 gói cước 4G với dung lượng thấp nhất là 2GB/20 USD và 100GB/710 USD (1 USD = 22.727 đồng). Verizon cũng là nhà mạng có gói cước linh hoạt nhất khi bao gồm cả gói thoại và tin nhắn đi kèm.

Với việc đầu tư cao hơn, tốc độ nhanh hơn, điều này cũng lý giải cho việc giá cước 4G tại Việt Nam sẽ cao hơn 3G rất nhiều. Trong bối cảnh việc thắt nút chai trên, 3G vẫn đang làm đau đầu các nhà mạng thì việc phát triển 4G buộc các nhà mạng phải cân nhắc rất nhiều nếu không muốn bị người dùng tẩy chay.

Nhiều rủi ro về chi phí

Nhìn qua động thái của các nhà mạng, dễ dàng nhận thấy dù thử nghiệm hoặc thậm chí gần triển khai, các phương án cước hiện vẫn chưa được công bố mà chỉ có thể nói chung chung. Trong khi tốc độ 3G chỉ thuộc dạng rùa bò và thực tế nếu so với thu nhập người dân thì giá cước không hề rẻ.

Theo một số chuyên gia công nghệ, nếu giá cước 4G tại Việt Nam mắc thì sẽ có nhiều vấn đề nan giải và rủi ro cho người dùng. Người dùng sẽ mất nhiều chi phí hơn khi sử dụng Internet, thế nên với mức cước quá mắc thì khó thu hút được người sử dụng.

Bên cạnh đó là những rủi ro về chi phí, đơn cử khi mở một đoạn phim mà người dùng không có nhu cầu xem hết, thế nhưng mạng 4G sẽ tải dữ liệu thật nhanh và người dùng sẽ mất một khoản phí đáng kể dù có xem hết phim hay không. Đó là chưa kể việc lỡ tay bấm vào các liên kết mở một đoạn phim hay bản nhạc nào đó.

Đại diện Qualcomm Đông Dương từng chia sẻ với báo giới tại nhiều nước trên thế giới, các nhà mạng có thể đưa ra các gói cước 3G và 4G khác nhau dựa theo mô hình kinh doanh của họ. Song phần lớn nhà mạng bán dịch vụ data theo dung lượng mà không phân biệt data đó là 3G hay 4G.

Vì 4G có tốc độ tải tin nhanh nên lượng tiêu thụ sẽ nhanh hơn và nếu người dùng mua gói cước dung lượng nhỏ thì sẽ hết nhanh, do đó người dùng phải mua gói cước dung lượng lớn hơn và điều này sẽ đem lại doanh thu lớn hơn cho nhà mạng.

Bên cạnh đó, tốc độ thực của 4G cũng là dấu hỏi lớn cụ thể là với mạng 3G hiện nay, theo thông tin từ trang đánh giá tốc độ 3G sensorly.com, tại TP.HCM cho tốc độ tải thì 3G hầu như chưa phản ánh đúng với thực tế mà các nhà mạng công bố. Cụ thể, 82% dưới 3M (thang điểm chậm) và chỉ có 5% là hơn 6M (tốc độ tốt).

Trên nhiều diễn đàn, không ít ý kiến cho rằng cần hoàn thiện 3G trước khi lên 4G để người dùng thật sự cảm thấy 3G đang tiện ích và chưa cần thiết lên 4G như hiện nay.

Khi đồng loạt MobiFone, Viettel, VinaPhone tuyên bố đạt tốc độ 42Mbps thì Vietnamobile vẫn đang ở con số 21.6Mbps. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tốt độ hiện hữu thì chỉ duy nhất Vietnamobile cung cấp thiết bị đi kèm. Trong khi ở tốc độ 42Mbps thì không phải thiết bị nào cũng dùng được.

4G giúp nhiều dịch vụ phát triển

Theo tạp chí Digitimes, tại Thái Lan dịch vụ 3G/4G đã thúc đẩy lượng bán điện thoại thông minh tăng hơn 30% dù cho biến động chính trị liên tục xảy ra. Còn tại Malaysia, mạng 4G được triển khai vào năm 2013 đã giúp thị trường chuyển biến tích cực khi lượng điện thoại sẵn có trong phân khúc dưới 500 đôla Mỹ luôn được người dùng lựa chọn.

Ngoài ra, việc các nhà mạng triển khai 4G cũng giúp tăng nhanh doanh thu về việc bán dữ liệu cùng dịch vụ giá trị gia tăng, bên cạnh đối tác nội dung được mở rộng nhằm mang đến nhiều dịch vụ hơn cho khách hàng.

Theo Minh Định

Cùng chuyên mục
XEM