Xôn xao việc bác sỹ 'truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu' - vì sao lại thế?
Các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền 5 lít bia (tương đương 15 lon) vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu.
Mới đây trên một số trang báo điện tử có đăng tải bài viết về trường hợp các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu. Nhiều người mới chỉ đọc qua tiêu đề đã vội vàng chia sẻ và đưa ra những nhận xét tiêu cực về trình độ y khoa của các bác sỹ trong nước. Vậy chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu sự thật như thế nào nhé.
Methanol còn tên gọi khác là ancol (cồn) metylic, alcohol gỗ, naphtha gỗ hay rượu mạnh gỗ, là một hợp chất hóa học với công thức phân tử CH3OH hay CH4O (thường viết tắt MeOH). Đây là rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy chất lỏng với một mùi đặc trưng, rất giống, nhưng hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống, có công thức hóa học C2H6O hay C2H5OH).
Sau khi vào cơ thể, methanol được cơ thể (gan) chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều. Axit formic gây độc tố cho thần kinh và võng mạc. Nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh trung ương cũng như võng mạc. Mức độ axit formic cao có thể gây suy đa tạng, toan chuyển hóa nghiêm trọng và các triệu chứng ngộ độc như nôn ọe nhiều; tiêu chảy hoặc đau bụng; đau đầu; huyết áp thấp; chóng mặt, mất phương hướng; môi và móng tay tím tái. Ngoài ra, người trúng độc còn có thể có những biểu hiện như hành vi kích động; nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa; khó thở; co giật; hôn mê và thậm chí là tử vong.
Như vậy, bản thân methanol không độc nhưng các chất chuyển hóa của nó lại rất độc.
Quy trình phân giải rượu Etylic (Ethanol) và Metylic (Methanol)
Trên thực tế, các loại rượu không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường thường là hỗn hợp pha trộn cả hai loại rượu là Etylic (C2H6O hay C2H5OH) và Metylic (CH3OH hay CH4O). Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm ít độc là axit axetic (được dùng làm giấm ăn ở nồng độ 4% đến 18%), trong khi đó thì Metylic tuy được chuyển hóa sau nhưng lại tạo thành andehit formic rồi được các enzyme phân hủy tiếp thành axit formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao như đã đề cập tới ở trên.
Theo thông tin trên trang web của bệnh viện Hữu Nghị Nghệ An, một trong những biện pháp tạm thời để giải độc cho người bị trúng độc methanol là sử dụng Ethanol và fomepizole (4-methylpyrazol). Các chất này sẽ ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (acid formic và format). Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu thì methanol tiếp tục được chuyển hóa và gây độc.
Bia 333 với hàm lượng cồn ethanol 5.3%
Trở lại với trường hợp ngộ độc rượu của người đàn ông trong bài báo, do cơ thể bệnh nhân đã phân giải hết Etylic nên gan bắt đầu chuyển hóa Metylic và sinh ra andehit formic - là nguyên nhân khiến ông này bị hôn mê. Vì vậy, nhằm hạn chế quá trình chuyển hóa Metylic thì các bác sĩ đã truyền bia cho bệnh nhân.
Do bia lon là loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản hợp vệ sinh và có hàm lượng ethanol thấp nên phù hợp để sử dụng trong giải độc. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan lại ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic nên các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.
Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đổ bia trực tiếp vào sonde dạ dày chỉ mang tính chữa cháy tức thời, kéo dài thời gian để tìm cách chữa trị cụ thể. Để giải ngộ độc rượu, bác sĩ sẽ sử dụng trực tiếp ethanol. Bệnh nhân mới được chữa bệnh bằng bia có được lọc máu nữa, nên không chỉ bia cứu mạng sống.
Không sử dụng bia để giải rượu được đâu nhé, đó chỉ là cái cớ của bạn nhậu để gọi bạn đi thêm "kèo" nữa thôi.