Bác sĩ sử dụng 5 lít bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu: Tôi thấy mệt mỏi!
Ngộ độc rượu methanol không cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng, trong phác đồ có sử dụng rượu để truyền cho bệnh nhân chứ không sử dụng bia.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chia sẻ sau khi có thông tin về trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ truyền 5 lít bia, rất nhiều thông tin đã gửi tới bác sĩ Lâm và bản thân anh cũng thấy mệt mỏi khi mọi người nói sao lại lấy bia giải ngộ độc rượu?
Thạc sĩ Lâm nhấn mạnh, bệnh nhân cấp cứu ngộ độc rượu methanol là loại rượu công nghiệp không sử dụng trong ăn uống và bệnh nhân mua phải rượu có chứa cồn methanol gây ngộ độc chứ không phải là bệnh nhân say rượu nên không phải như người dân hiểu lầm say rượu uống bia để giải say điều này là không đúng.
Trong phác đồ điều trị ngộ độc rượu được phép sử dụng rượu ethanol để truyền cho bệnh nhân để thải methanol.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm – việc sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân Nhật thực ra bác sĩ cũng đắn đo khi đưa một lượng bia như thế vào bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải đau đầu làm sao để cân bằng cho bệnh nhân, thải độc tốt cho bệnh nhân.
Thạc sĩ Lâm cho biết, theo phác đồ sử dụng rượu để truyền nhưng thực tế không có rượu để truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân trong trường hợp thế bác sĩ đành mạo hiểm dùng bia. Thạc sĩ Lâm chia sẻ đây là lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện này sử dụng bia để giải ngộ độc methanol cho bệnh nhân.
Theo Trung tâm Chống độc Bạch Mai, Hà Nội các vụ ngộ độc methanol đã được thông báo gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng là do hệ quả của việc sản xuất và phân phối bất hợp pháp các loại đồ uống có cồn bị nhiễm bẩn. Thật không may là những vụ việc này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thương tích, thậm chí mất mạng. Phần lớn những vụ việc này đều có thể được ngăn chặn bằng việc cưỡng chế thực thi tốt và giáo dục người tiêu dùng.
Methanol thường cố ý được cho vào các loại đồ uống có cồn bởi các doanh nghiệp làm ăn phi pháp và thiếu trách nhiệm để có hàng thay thế rẻ hơn so với sản xuất ethanol. Ngoài ra, các mức độ methanol cao không mong muốn có thể vô tình được tạo ra trong quá trình lên men các loại đồ uống có nồng độ pectin cao, như những loại đồ uống được làm từ nho và dâu tây. Trong quá trình lên men sạch đúng, methanol được sản sinh ra ở các mức độ thấp và an toàn. Tuy nhiên, các loại vi khuẩn khiến methanol được sản sinh ra ở các mức độ cao hơn trong các bình chứa lên men không vệ sinh.
Giống như những chất hóa học công nghiệp khác, methanol có độc tính và không dành cho việc tiêu thụ của con người. Nó có thể gây ra những ảnh hưởng có hại về sức khỏe nếu dùng phải, thậm chí gây tử vong. Sau khi dùng/uống phải, methanol được chuyển hóa thành fóc-man-đê-hít (formaldehyde) và sau đó thành a-xít pho-mic, nó sẽ khiến máu bị nhiễm a-xit (toan chuyển hóa). Sau khi các mức độ a-xít trong máu tăng cao, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để lọc máu. Các triệu chứng thường chỉ xảy ra trong khoảng từ 12 đến 24 tiếng sau khi dùng.
Ngoài tình trạng say xỉn do ngộ độc, các triệu chứng bao gồm: Đau bụng, đi ngoài, nôn ói, hoặc mửa, chóng mặt, đau đầu, hoặc thấy yếu đi. Khó thở hoặc thở rút, gây mù, mờ mắt, hoặc đồng tử giãn, co giật và không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.