Xiaomi nhờ cộng đồng mà có được ngày hôm nay, thế nhưng hành động này của hãng lại đang khiến người dùng Việt Nam bối rối

11/05/2017 11:11 AM | Công nghệ

Một tuần trở lại đây Xiaomi đã thể hiện một bộ mặt rất khác, tới những người dùng trung thành cũng phải... ngã ngửa.

Chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam cách đây gần 2 tháng (khoảng trung tuần tháng 3/2017), Xiaomi mang theo niềm hy vọng đem tới cho người dùng Việt những sản phẩm chất lượng, mẫu mã phù hợp, và quan trọng là giá bán phải chăng.

Tại sự kiện "MI IS HERE" diễn ra vào chiều 15/3, lãnh đạo Xiaomi nhấn mạnh, xây dựng cộng đồng là một trong những yếu tố sống còn đối với thương hiệu này. Bởi ngoài việc tạo ra một sân chơi chung cho tất cả người dùng Mi, hãng điện thoại Trung Quốc còn đặc biệt tỏ ra biết "lắng nghe" các tín đồ của mình.

Thế nhưng, một tuần trở lại đây Xiaomi lại thể hiện một bộ mặt rất khác, tới những người dùng trung thành cũng phải... ngã ngửa

Cụ thể, dòng pin dự phòng Xiaomi 10.000mAh gen 2 từng bán rất chạy của thương hiệu này tại Việt Nam đã liên tục bị phản ánh là khiến smartphone bị cháy IC sạc, thậm chí là không thể sạc điện được nữa.

Đáng ái ngại hơn, tình trạng này xảy ra nhiều nhất với các smartphone của chính Xiaomi (Redmi Note 3 Pro, hay Redmi Note 4), chứ không phải thương hiệu nào khác.

Và vụ việc đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi phía đại diện Xiaomi trả lời báo chí Việt Nam: "Để đảm bảo quyền lợi và cám ơn sự ủng hộ của người tiêu dùng dành cho sản phẩm chính hãng, chúng tôi không áp dụng bảo hành cho các sản phẩm xách tay".

Nhưng suy cho cùng, dù là "xách tay" hay hàng nhập chính ngạch, những viên pin có-nguy-cơ-gây-ra-sự-cố kia vẫn là sản phẩm của Xiaomi, do chính thương hiệu này sản xuất và bán ra. Đứng trên cương vị của một doanh nghiệp có tầm, có uy tín, hành động "rũ bỏ" trách nhiệm ở trên là không được phép xảy ra.

Nên nhớ rằng, cộng đồng, hay cụ thể ở đây là người dùng mua các sản phẩm Mi mới là "thượng đế" giúp thương hiệu Trung Quốc non trẻ, chủ yếu sống nhờ phương pháp truyền miệng, đi vào kinh doanh ổn định cho tới ngày hôm nay.

Quay lưng lại với người dùng đồng nghĩa Xiaomi đang tự triệt đường sống của bản thân. Mà hệ quả nhãn tiền, đó là không ít "thượng đế" đã đòi tẩy chay thương hiệu điện thoại Trung Quốc - rất dễ hiểu vì "tiếng lành đồn xa một, thì tiếng xấu đồn xa mười".


Pin dự phòng Xiaomi 10.000mAh gen 1 (trái) và gen 2 (phải)

Pin dự phòng Xiaomi 10.000mAh gen 1 (trái) và gen 2 (phải)

Có phải vì Xiaomi đã quên mất bài học mà Samsung và Galaxy Note7 đã để lại?

Cách đây chưa đầy nửa năm, Samsung đã từng vướng phải sự cố Galaxy Note7 "phát nổ". Và cũng chính nhà sản xuất Hàn Quốc đã dạy cho cả thế giới một bài học về nghệ thuật "Chăm sóc khách hàng" - sẵn sàng thu hồi toàn bộ máy dù có lỗi hay không, đồng thời đền bù thiệt hại cho khách bằng voucher giảm giá.

Nếu Samsung ngày ấy cũng hành xử thiếu trách nhiệm như Xiaomi bây giờ, có lẽ người Hàn Quốc sẽ không có được chiếc Galaxy S8 thành công mĩ mãn như trong thời gian qua.

Tất nhiên, không thể phủ nhận, tầm quan trọng của viên pin Xiaomi 10.000mAh gen 2 khoảng 300.000 đồng chỉ bằng một góc khi so sánh với siêu phẩm Galaxy Note7. Nhưng nói vậy để thấy, dù là những sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao sau này.

Bởi sau pin sạc, đâu ai nói trước được điều gì sẽ xảy đến với các sản phẩm của Xiaomi. Nay là viên pin, mai là điện thoại và ngày kia là còn nhiều nhiều những thiết bị thông minh khác nữa. Thử hỏi, khi lòng tin đã mất, thương hiệu Xiaomi sẽ dùng yếu tố nào để giữ lại "thượng đế" bên mình?

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM