Xét xử cựu CEO công ty Alibaba: Tình cảnh trớ trêu của bị hại
Nhiều người có mối quan hệ quen biết hoặc là người nhà của nhân viên Công ty Alibaba. Họ tới tòa trong tư cách bị hại mà lòng trĩu nặng
Ngày 12-12, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện (SN 1985; cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba - gọi tắt là Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Dốc hết tiền của, gia đình xào xáo
Từ sáng sớm, hàng trăm bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước có mặt. Nhiều người trong số này đã cao tuổi hoặc là lao động nhập cư tại TP HCM. Họ là các bị hại thuộc 8 dự án "ma" của Nguyễn Thái Luyện, gồm Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Phước Bình Central Park 2, Alibaba Phước Thái Capital, Alibaba Long Phước Industry, Alibaba Phú Mỹ Central City, Alibaba Phú Mỹ Central City 2, Ali Venice City, Alibaba Phú Mỹ Center City.
Do số lượng bị hại đông nên họ tham dự phiên tòa qua màn hình lớn được bố trí trước sân tòa và phát biểu ý kiến tại bục khai báo ở đây. Chủ tọa yêu cầu bị hại chuẩn bị đơn, hợp đồng liên quan, chứng cứ kèm theo. Khi được phát biểu thì không trình bày nhiều, chỉ nói về số tiền đã nộp cho công ty và số tiền để các bị cáo bồi thường cho mình. HĐXX sẽ xem xét dựa trên căn cứ này.
Trước tòa, nhiều bị hại khai ký hợp đồng mua đất của Luyện từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng và yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền đã ký hợp đồng mua đất. Một số khác mong lấy lại phần đất vì mục đích mua đất để ở chứ không phải "đầu tư lướt sóng".
Trong đó, bà L.T.P.H (ngụ TP HCM) mong muốn lấy đất, nếu không được, mới nhận lại tiền. Bà H. cho biết trước khi ký hợp đồng mua đất đã được nhân viên dẫn đi xem dự án. Khi đến khu đất thì thấy xung quanh toàn rừng, không chia nền như quảng cáo nhưng tin tưởng vào cam kết lợi nhuận, tính pháp lý của các dự án mà nhân viên môi giới của Công ty Alibaba "rót" vào tai, bà mạnh dạn bỏ hơn 480 triệu đồng đầu tư 2 dự án.
Còn bà P.T.T.L (ngụ tỉnh Tây Ninh), trước những cam kết chắc nịch về lợi nhuận từ việc đầu tư vào các dự án mà Công ty Alibaba đã vẽ ra, thấy cơ hội "làm giàu không khó" đã dứt khoát dùng hơn 300 triệu đồng tiền tích cóp tính sửa lại nhà cho ba mẹ mang đi đầu tư. Theo bà L., cứ nghĩ mua đất thì không lỗ được nhưng khi chưa lãi được đồng nào thì Luyện và các đồng phạm bị bắt. "Ban đầu tôi giấu gia đình nhưng giấy không gói được lửa. Chồng biết chuyện buồn lắm, không còn tin tưởng nữa nên tình cảm gia đình trở nên nhạt nhòa. Đau khổ lắm, bây giờ chỉ mong kiếm lại được đồng nào hay đồng nấy" - bà L. giãi bày.
"Mong bản án công tâm" là bày tỏ của rất nhiều bị hại có mặt tại phiên xét xử.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm
Khu vực bố trí cho các bị hại tham dự phiên tòa
Cả tin, hám giàu nhanh nên vướng lao lý
Theo lời khai của các bị hại, đa số họ có mối quan hệ quen biết hoặc là người nhà của nhân viên Công ty Alibaba, ngoài ra có một số bị hại từng là nhân viên của công ty này.
Ngồi ở một góc sân, vợ chồng ông T.T.N (ngụ TP HCM) rầu rĩ tâm sự gia đình ông vừa là bị hại vừa có cháu là bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc (bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức giúp Luyện lập 4 dự án không có thật trên 7 thửa đất nông nghiệp, chiếm đoạt hơn 34 tỉ đồng từ 112 khách hàng).
Vợ chồng ông N. cho rằng Luyện nắm bắt và "đánh" vào tâm lý khao khát làm giàu của những người có cuộc sống khó khăn. Ngọc mồ côi từ lúc 5 tuổi, sau khi học hết lớp 12 đã bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề trước khi làm nhân viên môi giới cho Công ty Alibaba. Được một thời gian, Ngọc được Nguyễn Thái Luyện bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Tia Chớp - công ty con của hệ thống Công ty Alibaba.
Dù làm chức vụ cao, được đứng tên nhiều diện tích đất nhưng thực chất chẳng có bao nhiêu tiền. Làm được đồng nào, Ngọc nghe lời Luyện đầu tư vào các dự án của công ty vì luôn được khuyến khích "mỗi nhân viên là một nhà đầu tư".
Cách đây ít năm, gia đình ông N. bán căn nhà ở Bình Dương, gom góp được 900 triệu đồng đưa cho Ngọc đóng hết vào các dự án nhưng ngày ra tòa, bản thân Ngọc cũng không biết rõ mình đầu tư các dự án nào, chỉ biết nghe lời Luyện góp vào các dự án sẽ sinh lời. "Đi làm bao nhiêu năm nhưng ngày nó bị bắt, trong tài khoản chỉ có 5 triệu đồng, không có tài sản nào khác" - anh trai của bị cáo ngậm ngùi nói thêm vào.
Tại phiên tòa, một số bị hại cho rằng bản thân nhiều nhân viên Công ty Alibaba cũng vì tin tưởng vào sự cam kết lợi nhuận, tính pháp lý của các dự án để rồi xảy ra hậu quả nghiêm trọng như hiện nay.
"Chúng tôi được biết các bị cáo hiện nay đều có hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính trong gia đình, nuôi con nhỏ, đều đầu tư tiền như chúng tôi. Sự việc xảy ra không hoàn toàn là mong muốn của các bị cáo. Chúng tôi xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này..." - lời của ông Nguyễn Đức Duy (ngụ tỉnh Đồng Nai) đại diện cho 37 bị hại gửi đơn xin cứu xét cho các bị cáo, trình bày trước HĐXX.
Che mắt bằng bề ngoài hào nhoáng
Đến tòa từ rất sớm, ông T.D.Q.A (ngụ TP HCM) ngậm ngùi chia sẻ ông đã dốc hết 500 triệu đồng tiết kiệm trong 10 năm làm công nhân may để mong kiếm thêm được ít tiền cho bản thân lúc về già. Đến nay, ông phải ở nhà thuê, mắt mờ, tay run và căn bệnh tim buộc ông phải đi vay mượn tiền bạc của anh em, bạn bè để chữa trị.
Người đàn ông lớn tuổi chậm rãi kể trước đó ông đã trực tiếp đến công ty để tìm hiểu. Thấy công ty có trụ sở bề thế, nhân viên nhiều, quy mô công ty lớn và có nhiều khách hàng khác đang giao dịch mua bán đất nên tin tưởng.
"Tôi mong tòa xét xử đúng người, đúng tội để tôi có thể lấy lại được chút tiền, chứ giờ tôi không biết phải làm sao" - ông Q.A chia sẻ.