Xem World Cup cũng có thể khiến bạn chết sớm: Hàng loạt Apple Watch cảnh báo nhịp tim cao quá tải, gấp đôi bình thường
Xem một trận bóng cũng giống như hòa mình với cầu thủ trên sân, cảm nhận được nỗi căng thẳng tột cùng mỗi khi đến các tình huống quyết định, đặc biệt là ở một giải đấu lớn bậc nhất như World Cup.
World Cup - Giải bóng đá lớn và hấp dẫn bậc nhất hành tinh vừa khép lại với chiến thắng vô địch dành cho "các chú gà trống Gô-loa". Dĩ nhiên, hàng triệu cổ động viên hâm mộ trái bóng tròn trên khắp thế giới cũng cảm thấy hết sức mãn nhãn với 1 tháng ăn ngủ cùng bóng đá, sống trọn niềm vui với đam mê của mình.
Tuy nhiên, một phát hiện mới đây đã cho thấy sự thật khá đáng lo: Sức khỏe của các fan hâm mộ bóng đá có thể gặp phải nhiều rủi ro chỉ bằng việc... cổ vũ đội nhà thi đấu. Đó là điểm chung nhận thấy ở hàng loạt người dùng của đồng hồ thông minh, vòng tay sức khỏe sau các loạt trận bóng World Cup về cuối chặng đường, khi họ luôn thấy những thiết bị của mình tự cảnh báo về cường độ nhịp tim tăng cao nhiều so với thông thường, cảnh báo tín hiệu bất thường về sức khỏe người đeo.
Dấu hiệu nguy hiểm đến cả tính mạng
Thực chất, hiện trạng trên đã được nhận thấy ngay từ khoảng thời gian cách đây 2 tuần, bước vào các loạt trận vòng loại, khởi đầu là trận đấu giữa Anh-Columbia. Theo The Independent , sau loạt penalty luân lưu căng thẳng để quyết định quyền đi tiếp của 1 trong 2 đội, những người đeo Apple Watch liên tục nhận được thông báo tần suất nhịp tim tăng quá mức 120 nhịp/phút - trong khi trung bình một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ hoạt động với 60-100 nhịp/phút.
Những dấu hiệu đó càng bất lợi cho cơ thể hơn khi hầu hết các cổ động viên bóng đá đều ở trạng thái không hoạt động gì nhiều trong lúc xem bóng đá nhưng nhịp tim vẫn cao. Dựa trên một biểu đồ thống kê, khoảng thời gian 9h tối (giờ địa phương) là lúc đạt đỉnh điểm của những con số, trùng với lúc đá luân lưu nếu xét giờ bắt đầu lăn bóng thường xoay quanh 7h tối.
Một số hình ảnh người dùng Apple Watch cung cấp, tất cả đều có mức nhịp tim đỉnh điểm bất thường vào 21h tối.
Điều này cho thấy mặc dù ngồi xem một trận bóng đá qua TV chỉ là một hành động gần như nghỉ ngơi và tận hưởng, nhưng rõ ràng cơ thể chúng ta hoàn toàn có thể bị "quá tải" ngay trong lúc ngồi yên một chỗ. "Mọi người thường có xu hướng quá lo lắng cho đội bóng hay vận động viên mình yêu thích," chuyên gia thể lực John Ryan tại Đại học Sức khỏe Utah cho biết. "Điều này còn rõ rệt hơn nữa với những ai đến hẳn sân vận động để xem trận đấu, nhất là khi có người còn dùng đồ uống có cồn để tiếp năng lượng. Vì thế, họ sẽ có nguy cơ bị tác động trở nên căng thẳng hơn."
Những thiết bị như Apple Watch và vòng tay Fitbit đều đang chỉ ra cho chúng ta thấy một nguy cơ về bệnh tim mạch chứa đầy rủi ro đang cận kề. Huyết áp cao, nhịp tim nhanh quá mức cũng là dấu hiệu tiêu cực, hay tín hiệu hoạt động quá chậm và trì trệ cũng không tốt đẹp gì cho trái tim. Và chắc chắn một trận đấu căng thẳng cũng hoàn toàn nằm trong danh sách tác động nên hiệu ứng xấu và gây ra một cơn đau tim bất ngờ.
Các dòng thông báo tự động được gửi về để thông báo cho người dùng biết.
Lịch sử cũng đã ghi lại nhiều trường hợp "nói có sách, mách có chứng" về tác hại liên quan. Chẳng hạn, năm 1996, Pháp loại Hà Lan khỏi cúp Euro cũng theo khuôn khổ một trận đấu kéo dài và phải phân định bằng penalty. Cùng ngày đó, 14 người Hà Lan đã không còn trên cõi đời vì đau tim bất thình lình. World Cup năm 1998, điều tương tự đã xảy ra trong trận Anh-Argentina khi 55 người cấp tốc nhập viện ở Anh chỉ trong một khoảng thời gian gần nhau.
Thể thao gắn liền với những xúc cảm mạnh mẽ khi bạn là một fan hâm mộ hoặc có mối liên hệ bền chặt với cá nhân, tập thể thi đấu nào đó. Theo Ed Hirt, giáo sư tâm lý xã hội ở Đại học Indiana: "Xem một đội bóng đang chơi cũng mang lại cảm giác như thể bạn đang hòa mình vào những gì mà họ đang cảm thấy trên sân. Đội bóng thi đấu tốt, thế giới cứ như trở nên tươi đẹp hơn vậy. Còn nếu họ không có phong độ cao, mọi thứ cứ tự nhiên trầm xuống và u ám hơn mọi khi."
Dù trận chung kết giữa Pháp và Croatia hôm qua không có loạt luân lưu, nhưng cũng đã có một quả penalty được thổi lên, tạo cơ hội lợi thế mười mươi cho các tuyển thủ áo xanh dương, ít nhiều gây ra không khí căng thẳng không chỉ ở trên sân mà cả trước mọi màn ảnh nhỏ đang theo dõi từ cách thủ đô của Nga hàng vạn km. Bạn có nhớ lúc đó tim mình đập nhanh hơn mọi khi không?