Xe nội địa giá rẻ: Nỗi niềm đại gia U80 mơ làm ô tô Việt

14/07/2017 08:09 AM | Kinh doanh

Ở tuổi hơn 70, đang bế tắc với giấc mơ ô tô Việt của mình nhưng ông Bùi Ngọc Huyên tin rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được ô tô, chất lượng tốt và giá rẻ. Tuy nhiên, nếu các chính sách không mang tính đột phá, vẫn chung chung và chẳng giống ai như đã từng diễn ra, thì công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục thất bại.

Thiếu ưu đãi thiết thực

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp ô tô, tạo ra những chiếc xe thương hiệu Việt có chất lượng tốt, giá cả phù hợp và cạnh tranh được trên thị trường?

Trên thực tế, gần 10 năm qua, đã có DN ô tô Việt Nam đầu tư hướng tới việc sản xuất xe mang thương hiệu Việt giá rẻ, nhưng cuối cùng thất bại. Vấn đề chính là các DN đầu tư vào sản xuất ô tô đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết.

Muốn phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô, phải tạo ra được những chiếc xe có chất lượng tốt và giá cạnh tranh với xe nhập khẩu

Cụ thể như Vinaxuki đã đầu tư, tự sản xuất được toàn bộ khung xe từ 5-7 chỗ, nếu tính tỷ lệ nội địa hóa đạt 39%. Bên cạnh đó, Vinaxuki cũng tự sản xuất một số linh kiện và mua của các nhà cung cấp tại Việt Nam, tính chung đạt tỷ lệ nội địa hóa 53%, nhưng không hề nhận được ưu đãi nào của Nhà nước, phải đi vay thương mại, có thời điểm lãi suất tới 20%/năm để nhập thiết bị, máy móc, trong khi lợi nhuận của ngành này chưa tới 10%.

Thời gian dài vừa qua, việc sản xuất những phụ tùng cốt lõi như thân, vỏ xe và hộp số, động cơ chưa được chú ý, dù có đầu tư, sản xuất thì không nhận được ưu đãi.

Ở tuổi hơn 70, thất bại với giấc mơ ô tô thương hiệu Việt nhưng với kinh nghiệm của mình ông Huyên cho rằng: “Khi bắt tay vào sản xuất ô tô con, tôi đã đề nghị nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50% thì giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương đồng tình, nhưng Bộ Tài chính thì không. Tại các nước khác, khi tăng tỷ lệ nội địa hóa, thuế sẽ được giảm là điều chắc chắn", ông Huyên nói.

Các nước trong khu vực đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ, khuyến khích các DN đầu tư sản xuất. Chẳng hạn để khuyến khích các DN sản xuất thân vỏ, máy móc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, ở nhiều nước DN sẽ được vay vốn ưu đãi, nếu làm động cơ lại được vay tiếp. Trong khi ở Việt Nam, chính sách này chưa có. Tại Thái Lan hàng năm Chính phủ thường trích 12% số tiền thu từ ô tô để đầu tư lại cho ngành, nhưng Việt Nam thu xong là thôi, không thấy có đầu tư trở lại.

Làm ô tô rất khó khăn, vì vậy nhiều DN không muốn đầu tư. Không những thế, các DN trong nước lại vướng phải nhiều vấn đề như thiếu vốn, thiếu công nghệ, kinh nghiệm, thương hiệu yếu, trong khi sản xuất ô tô đòi hỏi phải đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển, chế thử... Vấn đề là Chính phủ phải hỗ trợ các DN, ngành công nghiệp nào không có sự nuôi dưỡng, thì khó thành hình là điều dễ hiểu, ông Huyên cho biết.

Cần chính sách đột phá

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, muốn phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô, phải tạo ra được những chiếc xe có chất lượng tốt và giá cạnh tranh với xe nhập khẩu, liệu có làm được không? Chính sách nào để khuyến khích các DN đầu tư vào sản xuất, chứ không phải nhập xe về bán?

Ô tô Việt trông chờ vào sự phát triển của công nghiệp phụ trợ

Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được ô tô, với chất lượng tốt và giá rẻ. Cơ sở để ông Huyên khẳng định điều này là giá linh kiện nhập khẩu đang bị các DN FDI đẩy lên rất cao. Hầu hết các DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại đều là những tên tuổi nổi tiếng toàn thế giới. Khi đã là những thương hiệu lớn thì mọi chi phí đều được tính khá cao.

Chẳng hạn một chiếc vành đúc hợp kim nhôm 16 inch dùng cho lốp xe cỡ 195 nhập khẩu từ Trung Quốc về có giá 600.000 đồng, còn đặt mua của 1 DN FDI Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam có giá 800.000 đồng, vậy nhưng các hãng ô tô tên tuổi lớn đang bán ra với giá trên 3 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng thường phải trả cho giá trị thương hiệu khoảng 10% giá bán xe, vì vậy mà giá ô tô bị đẩy lên cao và họ có lãi rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Huyên, để DN ô tô trong nước hạ giá thành thấp hơn nữa và tăng tính cạnh tranh cũng như thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển cần có sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách phù hợp với thực tế.

“Tôi rất tin rằng nếu Chính phủ có một chiến lược, một chính sách hợp với thực tế hỗ trợ các DN đầu tư thì 10 năm nữa, DN ô tô trong nước sẽ có đóng góp lớn, đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, giảm nhập siêu, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa tốt và giá rẻ hơn”, ông Huyên bày tỏ.

Theo ông Huyên, muốn phát triển được công nghiệp ô tô, thì Chính phủ cần hỗ trợ các DN, cụ thể là được vay vốn dài hạn với lãi suất hợp lý, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, mua công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài,... bằng những chính sách, biện pháp cụ thể, tránh tình trạng các văn bản được thảo ra quá chung chung.

Nếu các chính sách không mang tính đột phá, vẫn chung chung và chẳng giống ai như đã từng diễn ra, thì công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục thất bại. Đặc biệt, cần loại bỏ tư duy của nhiều cán bộ trong các cơ quan chức năng hiện nay, cho rằng Việt Nam không làm được ô tô, ngành này phải dành cho nước ngoài. Vì thế rất hờ hững, DN khó khăn đề nghị cũng không ai giải quyết.

Giáo sư Kobayashi Hideo, Viện nghiên cứu Công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô, thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản), cho hay, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển dịch sang sản xuất linh phụ kiện cho ô tô. Trong khi sản xuất ô tô chưa đạt tới quy mô để đem lại hiệu quả, Việt Nam cần hạn chế nhập khẩu xe nguyên chiếc, tránh gây áp lực cạnh tranh quá mức cho sản xuất trong nước.

Trước hết, cần tìm mọi cách thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất của xe trong nước so với xe nhập khẩu vào năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam còn 0%. Để có những chiếc xe với giá cạnh tranh, không cách nào khác là phải có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện với giá cạnh tranh. Như vậy, phải khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ , Giáo sư Kobayashi Hideo nói.

Theo Trần Thủy

Từ khóa:  ô tô việt
Cùng chuyên mục
XEM