Xe điện xuất hiện sẽ làm tăng giá xăng, bạn có tin không?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự xuất hiện của các phương tiện chạy điện mang đến rất nhiều tác động đối với giá dầu trên thế giới.
Bạn sẽ nghĩ rằng khi ngày càng có nhiều xe hơi sử dụng năng lượng điện thay cho xăng, thì nhu cầu về dầu sẽ giảm đi đáng kể. Và trong dài hạn, điều này có thể đúng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các phương tiện chạy điện thực ra lại dẫn đến giá dầu tăng cực đỉnh. Đây là nhận định của Dwight Anderson, nhà đầu tư huyền thoại đã sáng lập ra quỹ đầu tư Ospraie Management.
Trong một cuộc phỏng vấn với RealVision TV vào đầu tháng này, Anderson đã nói:
“Các phương tiện chạy điện sẽ là thứ thực sự ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu mỏ trong thập niên tiếp theo, nhưng thực ra tôi lại nghĩ rằng nó sẽ có tác động kỳ lạ là giữ giá dầu ở mức cao hơn vào cuối thập niên này và đầu thập niên sau”.
Lý luận mà ông đưa ra là các dự án dầu mỏ khổng lồ, tức các dự án sản xuất từ 100.000 đến 500.000 thùng mỗi ngày, tiêu tốn hàng tỷ USD và cần rất nhiều năm để xây dựng. Nếu các nhà tài phiệt tin rằng nhu cầu dài hạn đối với dầu sẽ giảm vì sự xuất hiện của các phương tiện chạy điện thì họ sẽ không thực hiện các dự án này.
Điều đó sẽ làm giảm cung và có thể tạo ra một giai đoạn nguồn cung dầu mỏ sụt giảm trong khi đó các phương tiện chạy điện vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn. Anderson cho biết:
“Vào cuối thập niên này, khi các nhà tài phiệt dầu mỏ xem xét tình hình họ sẽ thốt lên ‘Trời đất ơi’. Và họ bắt đầu thấy các phương tiện chạy điện trở nên cực kỳ cạnh tranh về mặt kinh tế, và chúng bắt đầu giành thị phần từ phương tiện chạy xăng dầu. Dần dần điều này sẽ tác động làm tăng cầu về dầu mỏ vào giữa thập niên sắp tới. Tôi nghĩ họ có thể không duyệt một số dự án dầu mỏ lớn”.
Anderson rất tin tưởng là giá dầu sẽ tăng lên, và còn đưa ra dẫn chứng về “sự sụt giảm trong sản lượng dầu mỏ”. Ông cho biết tỉ lệ sụt giảm chi phí kinh doanh diễn ra ở các công ty dầu mỏ lớn lên đến 65%.
“Vì thế trong giai đoạn từ 2007 đến 2013, số lượng các quyết định đầu tư chính thức được phê duyệt có thể lên đến 40 dự án/năm. Vào năm 2014, con số này là dưới 15. Năm 2015, giảm xuống còn dưới 10. Và các dự án sẽ diễn ra vào năm 2018 và 2019 có thể sẽ không còn nữa.
“Do đó với nguồn cung sụt giảm, giá dầu sẽ tăng cao. Và để điều chỉnh xu thế ấy một cách tổng thể… Đã tốn rất nhiều thời gian để các quyết định về nâng sản lượng khai thác dầu được thực hiện trong 2 năm rưỡi vừa qua, và giờ đây sẽ còn rất lâu nữa để nguồn cung đó thực sự quay trở lại”.