Xe buýt Hà Nội "chết mòn"

18/07/2020 15:45 PM | Xã hội

Hoạt động xe buýt ở Hà Nội đã phủ 30/30 quận, huyện, thị xã toàn TP nhưng vẫn không thu hút được người dân sử dụng như kỳ vọng.

Công ty CP Ôtô vận tải Hà Tây (đơn vị vận hành tuyến buýt số 72) vừa có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP xem xét điều chỉnh doanh thu trợ giá. Nếu các cơ quan chức năng không có hướng giải quyết, đơn vị buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách.

Không hấp dẫn người dân

Ngay sau đó, Sở GTVT TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới, trong đó cam kết điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị xe buýt.

Tính đến hết tháng 5, mạng lưới xe buýt trên địa bàn có 126 tuyến, trong đó có 104 tuyến có trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến kế cận và 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%).

 Xe buýt Hà Nội chết mòn  - Ảnh 1.

Xe buýt Hà Nội vẫn chưa thu hút nhiều người sử dụng . Ảnh: NGÔ NHUNG

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT TP Hà Nội), cho biết việc giảm sản lượng và doanh thu của tuyến buýt số 72 cũng là tình trạng chung của toàn mạng lưới xe buýt của thủ đô. Sở GTVT đã nắm tình hình và đang khảo sát, đánh giá để báo cáo TP điều chỉnh kế hoạch toàn hệ thống. Dự kiến công tác khảo sát sẽ hoàn thành sớm nhất vào tháng 9.

Nhiều chuyên gia cho rằng xe buýt ở Hà Nội đang không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Hằng năm TP vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để trợ giá nhưng tỉ lệ xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân chỉ ở ngưỡng 13%-14%. Những năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt ngày càng giảm. Nếu như vào năm 2013, tốc độ bình quân của xe buýt đạt 23 km/giờ thì nay chỉ còn khoảng 17 km/giờ. Thực tế cho thấy khách thường xuyên của xe buýt chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, người cao tuổi.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, nguyên nhân của tình trạng trên là do ùn tắc giao thông dẫn tới phá vỡ biểu đồ hoạt động của xe buýt, sự đúng giờ không được bảo đảm, thời gian di chuyển kéo dài; mạng lưới kết nối chưa tốt với các khu vực ngoại thành và khu đô thị mới; việc tiếp cận các điểm dừng chưa tốt...

Ngoài ra, theo một số chuyên gia giao thông, dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, sau nhiều năm hoạt động mới chỉ sử dụng khoảng 50% công suất. Với công suất và hiệu quả như hiện nay, nếu BRT còn tiếp tục vận hành thì sẽ còn phải bù lỗ nhiều. Tiêu chí của BRT là 3-5 phút phải có 1 chuyến, 1 ngày phải chở được 30.000-40.000 khách mới có hiệu quả.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để xe buýt Hà Nội phát triển, cần có cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt như ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông, lựa chọn một số tuyến đường xây dựng đường dành riêng cho xe buýt để nâng cao tốc độ chạy xe, bảo đảm an toàn cho vận hành xe buýt.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung các tuyến xe buýt, tổ chức thêm điểm trung chuyển để hành khách dễ dàng tiếp cận chuyển tuyến, nối tuyến thuận tiện, đáp ứng mục đích chuyến đi của hành khách và ưu tiên quỹ đất bố trí xây dựng nhà chờ, điểm dừng đỗ chất lượng... Đặc biệt, để thu hút được hành khách thì điều kiện tiên quyết là chất lượng và tốc độ phải đặt lên hàng đầu.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết khu vực 12 quận nội thành của Hà Nội hiện có 1.078 điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt, trong đó chỉ có 365 điểm được đầu tư nhà chờ có mái che đạt khoảng 33,8%. Tới đây, TP sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn quốc tế, việc đầu tư xây dựng đồng bộ nhà chờ và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận sẽ mang đến cho TP một hệ thống nhà chờ xe buýt đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, thông tin đô thị, du lịch theo yêu cầu của TP sẽ được thể hiện một cách chuyên nghiệp, mới mẻ trên nền công nghệ hiện đại.

Hà Nội cũng đang đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, tạo điều kiện cho giao thông công cộng phát triển. HĐND TP đã thông qua nghị quyết về "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ôtô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống GTVT".

Nghị quyết nêu rõ Hà Nội khuyến khích sử dụng phương tiện VTHKCC khối lượng lớn, ngân sách TP sẽ trợ giá cho người sử dụng. Về cơ chế, TP hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ, phí cầu đường, bến bãi, bảo hiểm hành khách; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng VTHKCC và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

Mở mới 30 tuyến buýt trợ giá

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu danh mục 30 tuyến buýt mở mới năm 2020 do Sở GTVT đề xuất để tham mưu cho TP. Cụ thể, 8 tuyến buýt nhằm tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới các huyện ngoại thành,18 tuyến buýt nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu (khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị), 4 tuyến buýt kết nối các khu đô thị, các quận, huyện với sân bay Nội Bài.

Theo Bạch Huy Thanh

Cùng chuyên mục
XEM