Xây dựng đường xá hay trường học: Cơn đau đầu của các nhà hoạch định kinh tế

02/12/2017 15:00 PM | Xã hội

Những con đường hay trường học? Đó là một câu hỏi tương tự như lựa chọn giữa “súng hoặc bơ” mà các chính phủ trên khắp thế giới đã phải đối mặt trong thế kỷ 20: Cách sử dụng nguồn tài nguyên giới hạn của một quốc gia để tạo ra lợi ích tối đa cho người dân?

Trong báo cáo gần đây của IMF, kết quả cho thấy các nước thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu ít hơn cho các trường học so với đường xá (tính theo tỷ lệ % GDP), dù đầu vào giáo dục có thể là một nhu cầu cấp thiết hơn trong xã hội của họ.

Trường học chưa được đầu tư thích đáng

Tại sao các quốc gia lại đưa ra được sự lựa chọn giữa đường xá và trường học?

Đầu tư vào đường xá có thể tăng sản lượng ngắn hạn, đem lại cơ hội kinh tế mới và giảm đói nghèo, tuy nhiên về lâu dài, đầu tư vào các trường học sẽ tạo ra sản lượng đầu ra cao hơn rất nhiều.

Sự thỏa hiệp khá hiển nhiên và rõ ràng. Đối với một quốc gia thu nhập trung bình thấp, về lâu dài, đầu tư vĩnh viễn vào trường học chỉ cần chiếm 1% GDP sẽ làm tăng sản lượng khoảng 24%, trong khi đầu tư tương tự vào đường xá chỉ giúp tăng 5% GDP.

Đối với các nhà lãnh đạo chính trị, yếu tố quyết định là lựa chọn nào sẽ đem lại kết quả nhanh nhất, và vì lý do nó, đường xá thường là sự lựa chọn yêu thích của họ. Đầu tư vào đường xá tạo ra tăng trường kinh tế nhanh hơn trong 13 năm đầu. Ngược lại, đầu tư vào trường học làm chậm tăng trường trong 9 năm đầu chủ yếu do thay đổi nguồn cung lao động.

Tầm nhìn chính trị ngắn hạn

Xây dựng đường xá hay trường học: Cơn đau đầu của các nhà hoạch định kinh tế - Ảnh 1.

Cuối cùng, lợi ích tăng trưởng từ đầu tư vào các trường học sẽ vượt xa lợi ích từ chi tiêu tương tự vào đường xá. Tuy nhiên, quá trình này phải mất tới 24 năm, và ít lãnh đạo chính trị nào có một tầm nhìn dài hạn như vậy. Nhóm nghiên cứu tới từ IMF đã gọi hiện tượng này là “thiển cận chính trị”.

Trong khi đó, đỉnh điểm của tăng nợ công do đầu tư vào trường học cao gấp 3 lần so với đầu tư vào đường xá. Lý do nằm ở chi phí tài chính phải trả trước và thời gian dài hơn mà trường học cần để giúp tăng GDP và thu nhập của chính phủ. Điều này gây rủi ro lớn hơn về nợ bền vững, đồng thời càng khiến các nhà lãnh đạo ngần ngại đầu tư vào trường học.

Đẩy mạnh đầu tư vào giai đoạn đầu, một chiến lược mà IMF gọi là “cú hích lớn”, sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn lại của trường học. Với nỗ lực “cấp tốc” như vậy, sự tăng trường nhờ trường học sẽ vượt qua sự tăng trường nhờ đường xá trong khoảng 20 năm, 4 năm sớm hơn so với cách đầu tư thông thường.

Các chi phí ngắn hạn

Tất nhiên, chi phí ngắn hạn của chiến lược “cú hích lớn” sẽ cao hơn. Quá trình gia tăng chi tiêu vào trường học sẽ làm giảm bớt chi tiêu cá nhân, nguồn cung lao động và sản lượng ngắn và trung hạn. Và nó cũng đòi hỏi một mức thuế và nợ cao hơn trong thời gian ngắn hạn. Nhưng trong vòng 20 năm, nợ công theo % GDP sẽ quay trở lại mức ban đầu, hoặc thấp hơn, nhờ tốc độ gia tăng sản lượng nhanh hơn. Yếu tố bất lợi của trường học so với đường xá từ góc độ tài chính sẽ gần như biến mất với chiến lược đầu tư “cú hích lớn”.

Mặc dù vậy, lợi ích dài hạn này có thể không đủ để vượt qua được sự thiển cận chính trị. Giải quyết những mối quan tâm ngắn hạn có thể cần viện tới sự trợ giúp của các cơ quan đa phương. Đặc biệt, nghiên cứu của IMF gợi ý cung cấp tài chính ưu đãi và tài trợ để các nhà hoạch định chính sách có động lực để nhấn mạnh đầu tư vào các trường học. Viện trợ cho các cơ sở hạ tầng xã hội không chỉ giải quyết vấn đề về tầm nhìn chính trị ngắn hạn, mà còn giảm bớt những lo ngại về tình trạng “không dung nạp nợ” – tình trạng các thị trường mới nổi không có khả năng quản lý nợ từ nước ngoài.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM