WSJ nói về thảm cảnh ở nước Mỹ: Chi tiêu lương thực cao nhất 30 năm, nhiều gia đình phải chia nhỏ từng miếng bít tết để sống qua ngày

22/02/2024 10:46 AM | Xã hội

Rất nhiều người Mỹ cho biết họ đã ít đi ăn nhà hàng hơn, cắt bỏ một số khẩu phần hay bữa ăn của mình, mua sản phẩm rẻ tiền hơn.

Khổ như người Mỹ: Chi tiêu lương thực lên mức cao nhất 30 năm, đến Tổng thống Joe Biden cũng phải bức xúc lên tiếng - Ảnh 1.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập khả dụng của người Mỹ đã lên mức cao nhất 30 năm qua.

Lần cuối cùng người dân Mỹ chứng kiến cảnh tốn nhiều thu nhập cho thực phẩm như thế này là từ thời Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush còn tại nhiệm, khi mà bộ phim "Kẻ hủy diệt 2" (Terminator 2: Judgment Day) còn đang khuấy đảo phòng vé.

Theo WSJ, dù lạm phát ở Mỹ đã được kiềm chế nhưng chi phí ăn uống vẫn tiếp tục tăng cao kể từ năm 2023.

Số liệu của Bộ lao động Mỹ cho thấy giá cả tại các nhà hàng đã tăng 5,1% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước, còn chi phí thực phẩm ngoài siêu thị đã tăng 1,2% cùng kỳ.

Mặc dù chỉ số lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt so với mức đỉnh đầu năm 2023 nhưng các nhà hàng lẫn công ty sản xuất thực phẩm đều than vãn về chi phí lao động tăng cao và nhiều nguồn nguyên liệu thì ngày càng đắt đỏ, ví dụ như hạt cocoa.

"Nếu nhìn vào lịch sử các thời kỳ lạm phát thì bạn sẽ thấy giá thực phẩm không dễ dàng giảm ngay. Chúng có xu hướng tăng giá khá dai dẳng trước khi được hạ nhiệt", CEO Steve Cahillane của hãng thực phẩm Kellanova than thở.

Khổ như người Mỹ: Chi tiêu lương thực lên mức cao nhất 30 năm, đến Tổng thống Joe Biden cũng phải bức xúc lên tiếng - Ảnh 2.

"Như một cú lừa"

Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy năm 1991, người Mỹ phải chi đến 11,4% thu nhập khả dụng của mình cho lương thực. Tại thời điểm đó, giá thực phẩm vẫn tăng cao bất chấp lạm phát đã được hạ nhiệt so với giai đoạn thập niên 1970.

Thế rồi lịch sử lại tái diễn 30 năm sau đó khi giờ đây chi phí thực phẩm lại chiếm tỷ lệ tương tự trong tổng thu nhập khả dụng của người dân. Năm 2022, chi tiêu lương thực chiếm 11,3% trong tổng thu nhập khả dụng.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải lên tiếng đầy tức giận, chỉ trích thẳng mặt các nhà sản xuất thực phẩm khi thu nhỏ kích thước sản phẩm nhưng giữ giá (Shrinkflation) nhằm trục lợi từ người tiêu dùng. Ví dụ như những gói khoai tây chiên giảm trọng lượng thực hay các hộp kem có dung tích nhỏ hơn nhưng giá vẫn như cũ.

"Người dân Mỹ đã quá mệt mỏi bởi bị coi thường rồi. Tôi đã chán cái mà người ta gọi là ‘Shrinkflation’. Đó như một cú lừa (Rip Off)", Tổng thống Joe Biden bức xúc.

Để biện minh cho mình, Giám đốc điều hành David Chavern của Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng Mỹ (CBA), đại diện cho các nhà sản xuất thực phẩm lớn của nước này cho biết họ có nhiều phân khúc sản phẩm với mức giá khác nhau để khách hàng Mỹ lựa chọn.

"Chúng tôi hy vọng có thể làm việc với ngài Tổng thống để đưa ra một giải pháp thực sự có lợi cho người tiêu dùng", giám đốc Chavern nói.

Khổ như người Mỹ: Chi tiêu lương thực lên mức cao nhất 30 năm, đến Tổng thống Joe Biden cũng phải bức xúc lên tiếng - Ảnh 3.

Bất chấp những lời biện minh đó, chị Lisa Wister sống ở Chicago cho biết hóa đơn tiền thực phẩm đang tăng nhanh hơn cả thu nhập của gia đình, khiến họ buộc phải cắt giảm chi tiêu và lựa chọn những món rẻ tiền hơn.

"Chúng tôi phải cân đo đong đếm mọi thứ xem có phù hợp ngân sách không. Thật là mệt mỏi", chị Wister, vốn là một chuyên gia trị liệu than thở.

Cuộc sống không dễ dàng

Tờ WSJ cho hay rất nhiều người Mỹ khi được phỏng vấn cho biết họ đã ít đi ăn nhà hàng hơn, cắt bỏ một số khẩu phần hay bữa ăn của mình, mua sản phẩm rẻ tiền hơn hoặc cố gắng tìm kiếm các đợt khuyến mãi nhằm đối phó tình trạng tăng giá lương thực hiện nay.

Chính nguyên nhân này đã khiến doanh số của các nhà hàng và doanh nghiệp sản xuất thực phẩm giảm mạnh do cầu yếu.

Hàng loạt chuỗi nhà hàng như Denny’s hay Wendy’s cho biết lượng khách hàng của họ đã giảm mạnh trong năm 2023 so với năm 2022 vì người tiêu dùng gặp áp lực tài chính.

Trong khi đó các hãng thực phẩm lớn như Hershey và Kraft Heinz thì cho biết doanh số bị suy giảm vì giá sản phẩm tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Những hãng thực phẩm này cho biết việc đổ lỗi cho họ là bất công, chèn ép vì giá nguyên liệu cũng tăng cao. Dù một số thành phần như ngô, lúa mì, hạt cà phê và thịt gà đã rẻ hơn thì giá đường, thịt bò và khoai tây chiên vẫn ở mức cao hoặc thậm chí tiếp tục tăng.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hàng loạt doanh nghiệp trong nền kinh tế Mỹ hiện đang tăng giá vượt mức bù đắp đà tăng chi phí của họ nhằm đem về lợi nhuận, đảm bảo một báo cáo tài chính đẹp cho cổ đông. Xu thế này diễn ra không chỉ ở ngành thực phẩm mà lan rộng cả ở mảng bán lẻ, công nghệ sinh học, sản xuất.

Thế nhưng cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì người dân Mỹ cũng đang không hài lòng với chi phí thực phẩm hiện nay.

Trả lời WSJ, giáo sư Anna Zabinski cùng gia đình đi ăn nhà hàng những ngày này thường phải đắn đo xem liệu một phần mỳ ống hay pho mát gọi thêm có mức giá bao nhiêu, có vượt ngân sách của họ không. Gia đình này hiện thường gọi thêm những món rẻ tiền khi dùng hết thay vì đổi món mới đắt tiền hơn như trước đây.

Khổ như người Mỹ: Chi tiêu lương thực lên mức cao nhất 30 năm, đến Tổng thống Joe Biden cũng phải bức xúc lên tiếng - Ảnh 4.

Giáo sư Anna cho hay gia đình họ thường phải cắt nhỏ miếng bít tết trị giá 20 USD hay chia sẻ một miếng bánh sandwich cỡ lớn để tiết kiệm ngân sách, tuy nhiên ngay cả như vậy thì chi tiêu cho lương thực của gia đình vẫn cao hơn so với 2 năm trước.

Đứng trước tình cảnh này, các doanh nghiệp thực phẩm cũng chẳng đồng cảm mấy với người dân vì họ cho biết chính bản thân công ty cũng có khó khăn của mình. Thêm nữa, nhiều công ty cho rằng người tiêu dùng sẽ sớm thích nghi với mức giá mới.

"Cũng giống như giá xăng vậy, người tiêu dùng sẽ sớm thích nghi với mức giá mới ngay thôi", giám đốc Cahillane của Kellanova cho biết.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM