Wi-Fi 6 và bài toán cải thiện trải nghiệm cho hàng loạt dịch vụ tại Việt Nam

29/04/2020 15:30 PM | Công nghệ

Kể từ khi chuẩn Wi-Fi 802.11ax được Wi-Fi Alliance chính thức công bố vào năm 2019 và chuyển sang tên gọi thân thiện hơn là Wi-Fi 6, công nghệ này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của ngành công nghiệp viễn thông, Internet cũng như các bên liên quan bởi lợi ích thực tiễn rõ ràng.

Được phát triển từ năm 2018, giao thức 802.11ax (Wi-Fi 6) được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo của giao thức 802.11ac vốn đang dần quá tải khi ngày càng có nhiều thiết bị di động ra đời và kết nối với mật độ dày đặc, bên cạnh đó là một tương lai khá "vất vả" cho nền tảng cũ khi mà các hệ thống thông tin của doanh nghiệp, hệ sinh thái thiết bị IoT và di động cá nhân ngày càng khát tốc độ, băng thông, yêu cầu cao về tính ổn định và độ trễ.

Không những vậy việc phát triển các thiết bị di động và điện toán cá nhân cũng đang gặp phải rào cản về pin khi phải duy trì kết nối liên tục. Đó là lúc cần tới một giao thức kế nối mới ưu việt hơn và có thể giải quyết các vấn đề căn bản từ nền tảng cũ, Wi-Fi 6 chính là đáp án bên cạnh sự bổ trợ của công nghệ 5G cũng đang trên đà phổ biến để cùng tạo nên hạ tầng viễn thông – internet hoàn chỉnh.

Điểm khác biệt cơ bản nhất của Wi-Fi 6 so với thế hệ Wi-Fi cũ là sự nâng cấp tốc độ lên tới 4 lần, nâng cấp về bảo mật và đáng chú ý là cơ chế phân luồng các gói dữ liệu để tối ưu hóa băng thông cho các địa điểm đông người, mật độ thiết bị cao, hỗ trợ các lưu lượng truy cập có độ dao động lớn của big data như các ứng dụng về AR/VR, video, giọng nói và nhất là các thiết bị IoT với dòng chảy data liên tục.

Wi-Fi 6 và bài toán cải thiện trải nghiệm cho hàng loạt dịch vụ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ưu điểm của Wi-Fi 6 (Nguồn: Aruba)

Ứng dụng thực tiễn của Wi-Fi 6 ở Việt Nam?

Mặc dù vừa mới được công bố gần đây nhưng một số nhà sản xuất đã bắt kịp xu hướng dù số lượng thiết bị đạt chứng thực Wi-Fi 6 vẫn chưa nhiều, có thể kể tới một vài hãng tiên phong điển hình trong việc tung loạt thiết bị hỗ trợ công nghệ mới mẻ này. Chuẩn Wi-Fi 6 đã xuất hiện trên Apple iPhone 11 và Samsung Galaxy Note 10, hay các dòng máy tính xách tay mới nhất Lenovo ThinkPad X1, Surface Laptop 3, cũng như các dòng AP thuộc Series 500, 510, 530, 550 của Aruba – một nhà cung cấp giải pháp mạng không dây trực thuộc HP Enterprise. Nhu cầu về dòng sản phẩm AP chuẩn Wi-Fi 6 khá rõ ràng khi hầu hết các địa điểm đông người, mật độ thiết bị cao đang ngày càng quá tải truy cập và áp lực nâng cấp hệ thống mạng của các doanh nghiệp để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.

Được xây dựng để đón đầu kỷ nguyên kết nối Internet vạn vật (IoT), Wi-Fi 6 cho phép kết nối các thiết bị di động và gia dụng cũng như các tiện ích công cộng (hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng…) nên được dự báo sẽ sớm "tỏa sáng" ở các môi trường doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng công cộng và các cơ quan, tổ chức lớn; nơi mà các thiết bị IoT sẽ tạo ra và sử dụng lượng dữ liệu đám mây khổng lồ theo thời gian thực. Nếu có sự hỗ trợ của Wi-Fi 6 và các nền tảng phụ trợ, bạn sẽ không còn phải theo dõi camera công cộng "giật" theo từng khung hình tĩnh nữa mà có thể theo dõi chúng dưới dạng các video sinh động và mượt mà. Đó chỉ là một ví dụ trong số hàng loạt ứng dụng của Wi-Fi 6 vào các địa điểm kinh doanh và cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Việt Nam.

Nghiên cứu năm 2019 của công ty phân tích thị trường Forrester cho thấy, có khoảng 50% nỗ lực chuyển đổi số (digital transformation) của doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại do thiếu hụt về mặt tổ chức, nhân sự, quản lý data và nguồn lực công nghệ. Theo ông Phương Trầm, cựu CIO DuPont và là chuyên gia về chuyển đổi số cho biết. Để khắc phục điều này, ngoài việc phát triển nhân sự thì cần sẵn sàng về mặt công nghệ. Wi-Fi 6 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng "nghẽn cổ chai" trong khâu triển khai cũng như cắt giảm chi phí và thời gian nhờ vào các ưu việt về tốc độ, độ trễ của đường truyền hoặc khả năng phân luồng kết nối cho các thiết bị IoT.

Wi-Fi 6 và bài toán cải thiện trải nghiệm cho hàng loạt dịch vụ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ứng dụng IoT trong ngành bán lẻ (Ảnh: Getty Images)

Theo VCCI, tuy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4% nhưng mức độ hài lòng về chất lượng ứng dụng CNTT trong hành chính công lại giảm từ 60% xuống còn 36%. Cốt lõi ở đây là khi số lượng người tham gia ngày càng cao thì áp lực lên hạ tầng công nghệ cũng tăng lên theo cấp số nhân, khiến trải nghiệm các dịch vụ công đi xuống, người dùng thường xuyên gặp tình trạng khó truy cập hoặc báo lỗi do hệ thống quá tải. Đã đến lúc Wi-Fi 6 và mạng 5G cần được đưa vào ứng dụng để tạo đòn bẩy cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và ngày càng nhanh của người dân cũng như doanh nghiệp.

Wi-Fi 6 và bài toán cải thiện trải nghiệm cho hàng loạt dịch vụ tại Việt Nam - Ảnh 3.

IoT trong quản lý giao thông công cộng (Ảnh: Getty Images)

Bên cạnh ưu thế về tốc độ, khả năng phân luồng hay giảm thiểu độ trễ của Wi-Fi 6, một số nhà sản xuất còn tích hợp thêm một lớp bảo mật khác để "gia cố" cho các access point. Chẳng hạn, với Aruba, ngoài việc nâng cấp tiêu chuẩn bảo mật từ WPA2 lên WPA3, các access point chuẩn Wi-Fi 6 của Aruba còn tích hợp thêm giao thức mã hóa tăng cường Enhanced Open giúp các điểm kết nối công cộng với mật khẩu chia sẻ trở nên an toàn hơn và tối giản thiết lập bảo mật. Các nâng cấp này dễ dàng trở thành một đề xuất cấp thiết cho các điểm kết nối ở các khu vực công cộng tại Việt Nam như sân bay, nhà ga hay các quán cà phê – những nơi mà các email và dữ liệu nhạy cảm của bạn dễ bị nhòm ngó và đánh cắp.

Wi-Fi 6 và bài toán cải thiện trải nghiệm cho hàng loạt dịch vụ tại Việt Nam - Ảnh 4.

Aruba AP 534 và AP 535 được tăng cường bảo mật chuẩn WPA3 và mã hoá Enhanced Open (Nguồn: Aruba)

Về tổng quan, Wi-Fi 6 không phải là một chìa khóa vạn năng để giải quyết hết mọi vấn đề về kết nối cũng như triển khai tại Việt Nam, nhưng Wi-Fi 6 sẽ là nền tảng đầy triển vọng để cải thiện trải nghiệm khá hạn chế và đang có phần "ức chế" hiện nay, từ dịch vụ hành chính công tới các truy cập Internet công cộng hoặc khả năng vận hành cồng kềnh của bộ máy IT ở các tổ chức do ngày càng nhiều thiết bị IoT kết nối.

Với sự phát triển của hệ sinh thái IoT, công nghệ di động 5G, xu thế chuyển đổi số, áp lực từ những nhà sản xuất nội dung độ phân giải cao cho đến sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối chuẩn Wi-Fi 6, các nhà cung cấp dịch vụ Internet chắc chắn sẽ nâng cấp hạ tầng và gói cước trong tương lai gần để tạo nên hạ tầng internet tốc độ cao hoàn chỉnh. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu bạn và tổ chức của mình đã sẵn sàng nâng cấp lên Wi-Fi 6 hay chưa?

Tìm hiểu thêm về Wi-Fi 6 và các ứng dụng thực tiễn tại đây.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM