WHO cảnh báo: 93% trẻ em dưới 15 tuổi đang phải sống dưới bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày
Báo cáo mới nhất của WHO đã chỉ ra một sự thật đáng lo ngại, và góp phần cảnh tỉnh cả thế giới về hậu quả của ô nhiễm không khí đối với trẻ em.
Các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ đã giúp xã hội loài người phát triển vượt bậc hơn. Nhưng đồng thời, hậu quả để lại cho các thế hệ sau là khôn lường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí đang gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới. Báo cáo tiết lộ số liệu đáng giật mình, khi có đến 93% trẻ em dưới 15 tuổi đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và độc hại mỗi ngày.
Con số này tương đương với 1,8 tỉ trẻ em, trong đó có 630 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
"Ô nhiễm không khí đang đầu độc hàng triệu trẻ em, làm hại cuộc sống của chúng," - Tedros Adhanom Ghebreyesus - giám đốc của WHO cho biết.
"Đây là điều không thể chối cãi. Mọi đứa trẻ đều có quyền được hít thở bầu không khí trong lành, để có thể lớn lên và phát huy tối đa tiềm năng của mình."
Báo cáo được đưa ra trong Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm Không khí và Sức Khỏe. Đây cũng là hội nghị đầu tiên về vấn đề này được WHO tổ chức.
Thế nào là ô nhiễm không khí, và vì sao trẻ em lại là đối tượng gặp nguy hiểm?
Ô nhiễm không khí có thể xảy ra cả trong nhà lẫn ngoài đường. Nó xảy ra khi hàm lượng các hạt bụi có kích cỡ dưới 2,5 micromet trong không khí vượt ngưỡng cho phép.
Trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ ô nhiễm không khí, vì hơi thở của trẻ luôn gấp gáp hơn người lớn. Hơn nữa do chiều cao chưa phát triển, trẻ em phải tiếp xúc với nhiều phân tử bụi bẩn hơn.
Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn có khả năng gây ra rất nhiều hệ quả xấu cho sức khỏe. Từ hen suyễn, viêm hô hấp, suy giảm chức năng phổi, thậm chí dẫn đến cả ung thư. Bi kịch thay, nghiên cứu cho thấy có rất nhiều khu vực trên thế giới đang phải chịu ô nhiễm không khí ở mức cao, và rõ ràng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em.
Dựa trên số liệu toàn cầu, WHO có nêu rằng chỉ riêng năm 2016, đã có tới 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, do hậu quả của ô nhiễm không khí. Trẻ em đang phải chịu gánh nặng quá lớn, trong đó khu vực các nước có thu nhập thấp phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
"Gánh nặng quá lớn đang đè lên những đôi vai bé nhỏ"
Trích báo cáo WHO
Số liệu báo cáo chỉ ra rằng ở các nước nghèo, 98% trẻ em dưới 5 tuổi đang phải tiếp xúc với bầu không khí có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn của WHO. Trong khi ở các nước có thu nhập cao, con số là 52%.
Ảnh hưởng của ô nhiễm là không thể đoán định. Nó không chỉ khiến tuổi thọ của thế hệ sau giảm xuống, mà còn có thể trở thành gánh nặng cho cả cuộc đời chúng về sau. Nguyên do là bởi ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, khiến trẻ học chậm tiến, dễ hình thành các bệnh tâm lý và khó khăn khi vận động.
Rủi ro về ung thư cũng cao hơn, và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch khi về già cũng vậy.
"Ô nhiễm không khí khiến não bộ trẻ bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng nhiều hơn chúng ta tưởng," - trích lời Maria Neira, giám đốc khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc WHO.
Con người phải làm gì?
Dù vấn đề ô nhiễm không khí đã được nhiều quốc gia quan tâm chú trọng hơn, nhưng hậu quả của nó vẫn còn bị quá xem nhẹ. Theo WHO, báo cáo đưa ra là để giải quyết câu chuyện này.
"Trẻ em là tương lai của nhân loại. Nhưng trẻ cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương," - trích trong báo cáo.
"Mối nguy hiểm đến từ ô nhiễm không khí đòi hỏi các chuyên gia phải tập trung hơn, đưa ra những quyết định khẩn thiết."
WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của mình, nhằm cải thiện chất lượng không khí trong từng khu vực. Đối với không khí trong nhà, người dân nên chuyển sang các phương pháp nấu nướng sạch hơn, như sử dụng bếp điện, bếp từ, nấu bằng dầu sạch...
Còn đối với không khí ngoài trời, câu chuyện vẫn là giảm tải lượng khí nhà kính gây ra do nhiên liệu hóa thạch. Hãy đi bộ hoặc đi xe đạp mỗi khi có thể, tập sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên, hạn chế phương tiện cá nhân...
"Hàng triệu đứa trẻ đang phải đối mặt với không khí ô nhiễm mỗi ngày, và chúng ta có rất ít thời gian."
Nghiên cứu được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới WHO .
Tham khảo: BBC, Science Alert