Vừa nhập ồ ạt lợn giống "xịn" từ Đan Mạch về thì giá thịt rớt thê thảm, Hoà Phát và Hùng Vương đang ngồi trên đống lửa?

18/01/2017 15:57 PM | Kinh doanh

Hoà Phát và Hùng Vương vừa bắt đầu nhập lợn năm 2016 từ Đan Mạch với kỳ vọng sẽ cung ứng lượng lớn thịt lợn ra thị trường trong tương lai. Thế nhưng, ngay Tết nguyên đán năm nay, giá lợn đã xuống thấp kỷ lục.

Thông thường, Tết đến gần cũng là thời điểm giá các loại thực phẩm sẽ có xu hướng tăng nhẹ khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, những ngày cận kề Tết Đinh Dậu, giá thịt lợn hơi trên thị trường bất ngờ xuống thấp kỷ lục trong 10 năm qua, chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg trong khi thời điểm đầu năm ở mức 45.000-48.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là do sự bất ổn từ thương lái Trung Quốc, khi thương lái lúc thì ồ ạt thu mua đấy giá lên cao, giờ đây lại hạn chế nhập khiến nguồn cung dư thừa, khiến giá rớt thảm.

Chứng kiến giá thịt lợn thấp kỷ lục, những doanh nghiệp cung ứng thịt lợn chắc hẳn sẽ cảm thấy lo lắng, như C.P, Dabaco, Dolico, Chăn nuôi Phú Sơn... Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp năm 2016 vừa nhập hàng ngàn con lợn giống từ Đan Mạch để gia nhập thị trường là Hoà Phát và Hùng Vương.

Năm 2016, Hoà Phát và Hùng Vương đã bắt đầu nhập những lô lợn giống đầu tiên từ Tập đoàn DanBred của Đan Mạch, một tập đoàn hàng đầu thế giới về nguồn gen lợn giống chất lượng cao và kỹ thuật chăn nuôi bài bản.

Trong đó, Hoà Phát đã nhập tổng cộng 2.800 con lợn giống để nhân đàn tại Yên Bái, Bình Phước, còn Hùng Vương nhập 1.650 con lợn. Theo kế hoạch, Hùng Vương đến tháng 3 năm nay sẽ có lợn giống thương phẩm bán ra thị trường và đặt mục tiêu 100.000-120.000 con heo giống bố mẹ vào năm 2019.

Còn đối với Hoà Phát, tập đoàn này có kế hoạch 2019 sẽ đạt sản lượng 500.000 heo thịt xuất bán hàng năm.

Tất cả số lợn của Hoà Phát và Hùng Vương đều thuộc dòng cụ kỵ (GGP - Great Great Parents). Từ những con lợn giống này, sẽ sinh ra lợn ông bà (GP - Great Parents), sau đó tới lợn bố mẹ (Parents) và đến lợn xuất chuồng (Finisher).

Ngoài ra, việc sản xuất chăn nuôi phải tuân thủ những quy trình khắt khe, chính vì thế, Tập đoàn Hoà Phát dự kiến phải đến đầu năm 2018 mới bắt đầu có lợn xuất chuồng để bán.

Như vậy, tạm thời Hoà Phát và Hùng Vương năm nay sẽ chưa lâm vào cảnh lỗ 500.000 - 1 triệu đồng mỗi con lợn như những người nông dân. Tuy nhiên, với xu hướng đầu tư sang nông nghiệp của các đại gia, và sự bất ổn từ thị trường Trung Quốc chưa có lời giải, nguy cơ dư thừa nguồn cung có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Trước tình trạng giá lợn giảm mạnh như hiện nay, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn đi các tỉnh, yêu cầu tăng cường thông tin thị trường cho người chăn nuôi, tạo điều kiện cho các xe chở lợn lưu thông thuận tiện, không "ngăn sông cấm chợ".

Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y,... tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi. Các tỉnh yêu cầu người chăn nuôi không tăng đàn, giữ quy mô vừa phải.

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, năm 2017 cơ quan chức năng sẽ cố gắng đàm phán thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết với nhau, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM