Người chăn nuôi gặp khó vì lợn ế không bán được, giá rớt thấp nhất 10 năm
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, giá thịt lợn hơi xuống thấp kỷ lục trong 10 năm qua, dao động chỉ 22.000-23.000 đồng/kg.
"Không cho lợn ăn thì nó chết mà cho nó ăn thì mình chết!"
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tháng 12/2016, giá heo hơi (lợn hơi) thu mua tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long là 37.000- 39.000 đồng/kg, giảm khoảng 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, giá heo khu vực này đã giảm xuống khoảng 15-20 giá, chỉ còn 22.000- 23.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, mà các trại nuôi heo tại miền Bắc cũng đang lao đao vì giá.
Tại Duyên Hải, Hưng Hà (Thái Bình), quy mô toàn xã khoảng 20.000 con nhưng với mức giảm 20.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay thì mỗi một đầu lợn, người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 1,5 triệu đồng.
Chị Chỉ – hộ chăn nuôi lợn ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết, thời điểm đầu năm, giá lợn hơi ở mức 45.000-48.000 đồng/kg, nhưng đến nay giảm gần một nửa. Song khốn khó hơn là giá lợn giảm mà bán được đã đành, đằng này lợn rẻ lại không có người mua.
Cuối tháng 12, trang trại của gia đình chị Chỉ đã xuất được khoảng 100 con lợn với giá 24.000 đồng/kg, hiện vẫn còn dư 200 con nhưng không bán nổi. Thiệt hại ước tính gần nửa tỷ đồng.
“Thương lái vào xem lợn, mặc cả từ 24.000 xuống 22.000 đồng/kg, đến khi tôi đồng ý lại ngoảnh mặt đi. Họ đưa ra đủ lý do nào lợn khó bán, lợn to quá khó xuất chuồng...
Trong khi giá lợn lao dốc, ế ẩm không bán được thì giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn leo thang. Không cho lợn ăn thì nó chết mà cho nó ăn thì mình chết!”, chị Chỉ buồn rầu chia sẻ.
Nhiều hộ dân trong làng chị Chỉ cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Lợn ế không bán nổi, nhiều gia đình mổ lợn ăn dần.
Ông Bùi Tiến Thuật kế bên trang trại chị Chỉ cho biết, gia đình ông cho lợn ăn cầm hơi. Cứ đà này, năm mới cận kề, cả làng mổ lợn ăn Tết.
DN chăn nuôi, thú y bắt tay tháo khó cho thịt lợn
Nói về thị trường lợn sụt giá lần này, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân vẫn nằm ở thị trường Trung Quốc.
Theo ông Quang, bao lâu nay, Trung Quốc được xem là thị trường không ổn định, vốn khi đóng, khi mở nên từ lâu, Chi cục đã cảnh báo cho người dân lưu ý. Tuy nhiên, lúc thương lái ồ ạt thu mua, giá tăng thì bà con đổ xô nuôi. Đến khi gần đây thị trường này hạn chế nhập, thị trường tiêu thụ trong nước có hạn, lợn “ùn ứ” dẫn đến rớt giá thảm.
Đồng ý kiến trên, ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, lợn hơi xuất sang biên giới theo con đường tiểu ngạch, không có cam kết thỏa thuận giữa hai bên nên nhiều rủi ro.
Trong khi đó, trước đây, đặc biệt vào dịp cận Tết, Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều thịt lợn Việt Nam, nhưng hiện nay đã dừng nhập qua đường tiểu ngạch khiến đầu ra bị tắc nghẽn, giá giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung vượt cầu cũng bởi người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn đi các tỉnh, yêu cầu tăng cường thông tin thị trường cho người chăn nuôi, tạo điều kiện cho các xe chở lợn lưu thông thuận tiện, không "ngăn sông cấm chợ".
Kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y,... tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi. Các tỉnh yêu cầu người chăn nuôi không tăng đàn, giữ quy mô vừa phải.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2017, cơ quan chức năng sẽ cố gắng đàm phán thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết với nhau, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững.