Vừa khởi công dự án hoá dầu 5,4 tỷ USD, Tập đoàn Thái Lan SCG đã mua gần trọn cổ phần Nhựa Bình Minh của SCIC
công ty con của Tập đoàn Thái Lan SCG đã trúng đấu giá gần trọn lô cổ phần BMP mà SCIC đưa ra chào bán với mức giá bằng với giá tham chiếu.
Sau một thời gian trì hoãn, buổi đấu giá chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) đã chính thức diễn ra vào lúc 14h30 tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào chiều ngày 09/3.
Như thông báo được SCIC đưa ra khi kết sổ đăng ký ngày 08/3, buổi đấu giá có sự tham gia của 2 nhà đầu tư tham gia gồm 1 tổ chức nước ngoài và 1 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong đó, tổ chức nước ngoài The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd đăng ký mua toàn bộ 24.159.906 cổ phần BMP mà SCIC đưa ra chào bán - tương đương 29,5% cổ phần của BMP.
Nhà đầu tư cá nhân còn lại đã đăng ký mua 20.000 cổ phần BMP. Tính theo giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu thì cá nhân này cần bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua số cổ phần trên.
Kết quả, Nawaplastic đã trúng đấu giá 24.139.923 cổ phần BMP mà SCIC đưa ra chào bán. 20.000 cổ phiếu còn lại thuộc về nhà đầu tư cá nhân do cả 2 nhà đầu tư cùng đặt mua với giá tham chiếu. Phía SCIC thu về 2.331 tỷ đồng trong đợt chào bán lần này.
Nawaplastic Industries hiện đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 20,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nhựa Bình Minh. Sau giao dịch này, Nawa sẽ nắm 49,92% cổ phần BMP.
Theo dự báo của CTCK HSC, rất có thể Nawaplastic sẽ nâng dần tỷ lệ sở hữu lên thành tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng cách mua thêm trên thị trường hoặc mua thỏa thuận. Dự báo của HSC rất có cơ sở khi công ty mẹ của Nawaplastic Industries là SCG - tập đoàn Thái Lan đã và đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam mới đây đã chính thức triển khai dự án hoá dầu tại Long Sơn có quy mô 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Tổ hợp hóa dầu Miền Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ 2023 sẽ là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin khoảng 1,6 triệu tấn/năm và các nguyên liệu khác như polyetylen, ploypropylen,...có công suất hơn 2 triệu tấn/năm, tiến tới thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu. Do vậy, việc mua cổ phần của SCIC lần này sẽ giúp SCG tạo thành chuỗi giá trị trong ngành hoá dầu tại VN với sản phẩm đầu cuối là các sản phẩm của Nhựa Bình Minh.