Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng

21/03/2021 07:39 AM | Sống

Mặc dù kẻ chủ mưu đã bị xử tử vào năm 2018, tuy nhiên, nỗi đau và sự mất mát của những nạn nhân năm đó vẫn hiện diện và dày vò cho đến bây giờ.

Di chứng còn mãi đến 25 năm sau

25 năm trước, ngày 20/3/1995, thành viên giáo phái AUM đã tấn công bằng chất độc sarin vào tuyến đường sắt Marunouchi, thủ đô Tokyo. Tại thời điểm đó, 13 người thiệt mạng, hơn 6000 người bị thương. Nhưng đau đớn hơn, di chứng mà nó mang lại rất nặng nề. Cách đây chưa lâu, Sachiko Asakawa - một nạn nhân 56 tuổi, mang di chứng tổn thương não đã ra đi sau 25 năm chống chọi với bệnh tật.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 1.

Cũng vào ngày đó, cùng lúc khoảng 640 người được đưa đến bệnh viện. Một tuần sau con số lên tới 1200. Nhiều người bị trúng độc giai đoạn đầu, có dấu hiệu mất đi ý thức. Một năm sau, nhiều dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể nhiều người bắt đầu bộc phát. Và công việc nghiên cứu bệnh tật do chất độc sarin mang lại bắt đầu song song với việc cứu chữa người bệnh.

Trong những người liên quan đến sự kiện năm đó, bệnh cơ thể mệt mỏi, lừ đừ chỉ có 7,3% sau 1 năm sự kiện xảy ra, 10 năm sau tăng lên 43,3%. Bệnh đau đầu chiếm 44,7%, kiết lỵ chiếm 18,6%. Riêng bệnh run chân tay chiếm 49,8% sau 13 năm. Nhưng có lẽ ám ảnh và xót xa nhất là những trẻ chưa thành niên mắc những bệnh ảnh hưởng tới tương lai như chậm phát triển, thần kinh yếu, lo lắng sợ hãi…

Những người bị thương, trúng độc trực tiếp ngay trong sự kiện cho đến nay vẫn còn đó. Người thì bị tổn thương não, mắt mờ, thần kinh không chủ động, người thì liệt nằm trên giường. Anh trai của bệnh nhân Sachiko Asakawa tâm sự rằng đối với em gái ông, 25 năm qua là khoảng thời gian đầy đau đớn.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 2.

Di chứng trên cơ thể người bệnh và nỗi đau ám ảnh những người thân trong gia đình, khiến họ mãi mãi không thể quên. Khi khói độc bay ra cũng là lúc những con người bị nhiễm độc và chịu đau đớn đến khi chết. Chỉ khi đi vào cõi vĩnh hằng, những nỗi đau thể xác và tinh thần ấy mới thực sự vô thường.

Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất tại Nhật Bản và gây chấn động dư luận toàn thế giới. Hiện vẫn chưa rõ động cơ thực sự của vụ tấn công này. Trước đó, các thành viên AUM Shinrikyo cũng đã tham gia vụ tấn công khác bằng sarin vào năm 1994 tại Matsumoto, tỉnh Nagano, làm 8 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương và tham gia vào vụ sát hại gia đình một luật sư (gồm 3 thành viên) năm 1989.

Nhưng vụ tấn công bằng chất độc sarin vào tàu điện ngầm Tokyo đã là dấu ấn buồn của lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử thế giới về những vụ tấn công dân thường. Sự sống vẫn luôn chảy không ngừng, nhưng những sự đe dọa sự sống ấy cũng luôn tồn tại.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 3.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Ngược thời gian về 25 năm trước, vào một buổi sáng tháng 3/1995 tại Tokyo, người dân hối hả, chen chúc bước chân lên tàu điện ngầm trong giờ cao điểm. Họ không biết rằng chỉ vài phút sau đó, thành phố nhộn nhịp này sẽ trở nên hoảng loạn.

Theo AFP, Sakae Ito đang bị ép bẹp dí trên tuyến tàu Hibiya khi anh nhận thấy bầu không khí bỗng đặc quánh và hành khách xung quanh liên tục ho khan. Mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, lan tỏa khắp không gian chật hẹp của toa tàu.

“Chất lỏng vương vãi trên sàn. Mọi người không ngừng co giật trên ghế. Một người đàn ông phanh áo đứng dựa vào cột, mồ hôi túa ra không ngớt”, Ito kể lại sự việc.

“Tôi ho liên tục và bắt đầu run lẩy bẩy. Người khách ngồi cạnh ngã khuỵu xuống trước khi chuông báo động kịp vang lên”, một nhân chứng khác mô tả cảnh tượng kinh hoàng trên tàu.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 4.

Máu chảy ra từ mũi của những hành khách đang nằm quằn quại. Họ thở nhanh, chảy nước dãi, đổ mồ hôi và cảm thấy bị bỏng ở mắt. Những hành khách này nằm trong gần 6.000 người dân Tokyo bị nhiễm chất độc thần kinh sarin, loại hóa chất không màu, không mùi, không vị, có thể giết chết con người chỉ trong vài phút.

Chất độc này được thành viên giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo mang lên 5 chuyến tàu. Chúng đựng chất lỏng chứa sarin trong túi, dùng ô chọc thủng rồi bỏ đi, để lại cảnh tượng thương tâm tại bến tàu.

Cảnh sát nhận được hung tin vào khoảng 8h sáng. Tokyo nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. Nhân viên tàu điện ngầm la hét, cố gắng sơ tán mọi người trong khi hành khách vẫn nằm co giật trên sàn.

Một số người dân tốt bụng cố gắng lôi nạn nhân ra khỏi tàu trước khi chính họ cũng nhiễm độc và gục xuống. Nhiều người cố trườn, nhích từng chút một, đè lên cả những cơ thể đã bất động khác nhằm tìm không khí để thở. Những tờ báo ướt sũng, thấm đẫm dung dịch chứa chất độc bị bỏ lại trên sàn tàu.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 5.

Tokyo hoảng loạn

Buổi sáng yên ả bỗng chốc trở nên hỗn loạn khi hành khách vội vã chạy ra khỏi bến tàu, không ngừng ho khan và nôn mửa. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mặt khẩn cấp trong bộ đồ Hazmat cồng kềnh cùng mặt nạ khí.

Họ lập tức được huy động đến hiện trường để hỗ trợ nạn nhân và đối phó với chất độc. Những bức ảnh thời đó ghi lại cảnh tượng các binh sĩ vác người bất tỉnh trên lưng, hối hả chạy lên xuống cầu thang.

Hàng trăm xe cứu thương hú còi inh ỏi trên đường. Trực thăng khẩn trương đáp xuống giữa con phố đông đúc để đưa người trúng độc đến viện. Đội ngũ y tế phải thực hiện biện pháp hồi sức cấp cứu ngay trên vỉa hè. Nhiều người đi ngang qua hiện trường vội lau nước mắt, không rõ vì đau xót trước cảnh tượng thương tâm hay do ảnh hưởng bởi chất độc.

Một số người vẫn nằm co giật dữ dội trên mặt đường do thiếu hụt nhân viên y tế. Giới chức Nhật Bản thừa nhận họ không lường trước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý một vụ tấn công khủng bố bằng khí độc.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 6.

Cảnh tượng bên trong bệnh viện quốc tế St. Lukes thậm chí còn thảm khốc hơn. Nhiều nạn nhân được đưa đến bằng taxi do hệ thống xe cứu thương quá tải. Họ tức tốc được đặt lên cáng và đẩy về phía hành lang bệnh viện, nơi giờ đây không khác gì phòng cấp cứu.

“Y tá chạy hỗn loạn xung quanh bệnh viện”, bà Mifumi Inoue, nhân viên bệnh viện St. Lukes, nhớ lại.

Là quốc gia có tỷ lệ phạm tội thấp nhất thế giới, Nhật Bản chưa bao giờ chuẩn bị tâm lý cho những tội ác kinh khủng như thế này.

Tại thời điểm vụ tấn công xảy ra, Nhật Bản vẫn trong giai đoạn phục hồi sau trận động đất tồi tệ xảy ra 2 tháng trước đó tại thành phố Kobe khiến 5.000 người thiệt mạng. Nhưng một số người cho rằng thà trải qua thảm họa thiên nhiên còn hơn đối mặt với cuộc tấn công từ con người.

“Chúng tôi chấp nhận động đất như sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi cũng có thể chuẩn bị cho động đất”, một nhân chứng có mặt trên tàu nói. “Nhưng chúng tôi không thể chuẩn bị cho sự việc như thế này”.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 7.

Chân dung Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái Aum Shinrikyo

Sau 23 năm, Nhật Bản đã thực thi án tử hình đối với Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái Aum Shinrikyo, cùng 6 thành viên khác của tổ chức đứng sau vụ tấn công bằng khí sarin ở ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995. Theo truyền thông địa phương, Asahara bị tử hình bằng hình thức treo cổ.

Vụ tấn công bằng khí độc sarin chấn động lịch sử nước Nhật: Ký ức đau thương kéo dài hơn 25 năm, 6000 người vẫn chịu di chứng - Ảnh 8.

Shoko Asahara


Vụ thi hành án tử hình các thành viên giáo phái AUM là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ vụ xử tử 11 đối tượng âm mưu ám sát Nhật hoàng năm 1911. Giáo phái AUM Shinrikyo hiện đã đổi tên thành Aleph và từ năm 2000, giáo phái này đã tuyên bố không còn coi Shoko Asahara là thủ lĩnh.

Nguồn: Tổng hợp


LOUIS

Cùng chuyên mục
XEM