Vụ NS Hoài Linh khẳng định ở nhà sau xạ trị nhưng lại có ảnh đi sự kiện: Luật sư phân tích 2 trường hợp có thể xảy ra dưới góc độ pháp luật
Cư dân mạng đã đưa ra bằng chứng ‘bóc phốt’ nghệ sĩ Hoài Linh và cho rằng nam nghệ sĩ đã nói dối mọi người.
Trưa ngày 5/6/2021, nghệ sĩ Hoài Linh đăng clip 50 phút chính thức xin lỗi, lên tiếng nói rõ lý do giải ngân chậm và công khai sao kê 15 tỷ đồng từ thiện để làm bằng chứng với công chúng.
Trong clip này, nam danh hài đã chia sẻ: "Ngày 19/10/2020 tôi vào trong bệnh viện xạ trị. Bắt đầu từ ngày 20 tôi về thì lịch trình cách ly xạ trị của tôi là 15 ngày. Tôi nằm ở trong phòng suốt thôi, chỉ có đi ra là đi ra khi nào không có ai thì mình đi ra vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Bởi vì tôi uống i ốt 131 đó cần phải cách xa mọi người, không được gần mọi người".
Tuy nhiên cư dân mạng đã nhanh chóng tìm ra được bằng chứng "phản bác" lại lời nói của nam nghệ sĩ. Trên mạng xã hội lan truyền một bức ảnh với sự có mặt của Hoài Linh tại một buổi khai trương vào ngày 24/10/2020. Trong ảnh, nam nghệ sĩ mặc bộ quần áo màu xanh, vui vẻ chụp ảnh cùng hai người khác.
Thậm chí, trông nghệ sĩ Hoài Linh cũng rất tươi tỉnh, khoẻ khoắn, không giống như đang trong thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh sau xạ trị.
Netizen tìm ra bằng chứng cho thấy lời NS Hoài Linh nói trong video không hề đúng
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ như sau:
Trường hợp 1: Nếu hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh dự một buổi khai trương vào ngày 24/10/2020 mà cư dân mạng cung cấp hoàn toàn đúng sự thật thì xét dưới góc độ đạo đức, nghệ sĩ Hoài Linh đã nói dối mọi người. Do đó, khán giả đã nghi ngờ thì nay càng nghi ngờ hơn về việc làm từ thiện của Hoài Linh, dẫn đến mất niềm tin vào nghệ sĩ Hoài Linh.
Xét dưới góc độ pháp luật, nếu việc nói dối này nhằm mục đích che đậy cho hành vi vi phạm pháp luật nào đó thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ gánh lấy chế tài tương xứng theo quy định.
Trường hợp 2: Nếu hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh dự một buổi khai trương vào ngày 24/10/2020 mà cư dân mạng cung cấp là không đúng sự thật (được cắt ghép, chỉnh sửa) nhằm hạ uy tín, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ Hoài Linh thì tùy vào mức độ vi phạm mà người đăng ảnh này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
(i) Căn cứ khoản 3 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
(ii) Trường hợp cơ quan công an điều tra xét thấy hành vi của cư dân mạng này là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, nghệ sĩ Hoài Linh còn có quyền khởi kiện cư dân mạng này ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.