Vụ ngộ độc sữa Milo tại Hậu Giang: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, bởi vì nó liên quan đến tính mạng của hàng chục triệu người dân Việt. Có đại biểu Quốc hội còn ví von “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên diễn ra, nhà nhà vi phạm, người người vi phạm, các doanh nghiệp vì lợi nhuận cũng không từ bỏ việc làm này. Còn chính quyền thì hầu như bất lực.
Thời gian quan, dư luận xã hội đang nóng lên bởi vụ việc hàng trăm trẻ của các trường tiểu học ở tỉnh Hậu Giang phải nhập viện trong tình trạng nôn ói, chóng mặt, đau bụng và tiêu chảy vì uống sữa Milo miễn phí của Công ty TNHH Nestle Việt Nam vào sáng ngày 27/10/2017
Chương trình uống sữa miễn phí được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho phép thực hiện từ 26/10 đến 24/11 cho 127 trường tiểu học.
Do được chỉ đạo nên các đơn vị Trường Tiểu học Lái Hiếu, Trường Tiểu học Nguyễn Hiền đều nằm trên thị xã Ngã Bảy–Hậu Giang và trường Tiểu học TT Cây Dương huyện Phụng Hiệp, đã tổ chức cho các em học sinh trong trường uống sữa Milo miễn phí. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau khi uống sữa, nhiều em xuất hiện triệu chứng nôn ói, chóng mặt, đau bụng và tiêu chảy phải nhập viện.
Xe cứu thương đưa các em học sinh vào các tuyến bệnh viện trung tâm các huyện Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Châu Thành…cha mẹ và các giáo viên khóc ngất chạy theo, Con số thống kê cho thấy có đến 400 em nhập viện. Theo người dân xung quanh cho biết, có rất nhiều chuyến xe cứu thương đã cấp tốc chuyển những em học sinh ngộ độc nặng… đến nhà thương Trung ương (tại thành phố Cần Thơ).
Theo ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang, trước khi phát sữa miễn phí cho học sinh, Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C. (đơn vị được Công ty TNHH Nestle Việt Nam ủy quyền) trình giấy tờ cho Sở Y tế Hậu Giang là chỉ cho các cháu uống miễn phí duy nhất loại sữa Milo. Ông Khởi cho biết thêm doanh nghiệp nói việc pha chế sữa diễn ra tại Cần Thơ rồi được xe chở xuống Hậu Giang. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì cơ quan chức năng phát hiện công đoạn chế biến tại kho ở thị trấn Cây Dương, cách thị xã Ngã Bảy khoảng 10 km, chứ không phải Cần Thơ. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện có 400 gói sữa Milo dạng bột và trên 1.300 lon hộp sữa đặc có đường của thương hiệu khác
Nhận định chuyên môn ban đầu về vụ ngộ độc sữa, ông Khởi nêu 4 nguyên nhân: thứ nhất là chất lượng lô sữa này có vấn đề. Thứ hai là sữa này cũng được pha chế sẵn và đem tới trường cho học sinh uống nên có rất nhiều khả năng dẫn đến tình trạng ngộ độc trên. Các nguyên nhân còn lại có thể do lô sữa có vấn đề, hoặc do khâu bảo quản.
Như vậy có thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến sự việc có hàng trăm trẻ nhập viện do uống sữa Milo của Nestle.
Điều dư luận đang đặt câu hỏi trong vụ việc này là: Có phải Công ty TNHH Nestle Việt Nam “Nói một đằng – Làm một nẻo”? Trong giấy tờ trình cho Sở Y tế thì nêu sữa sẽ được pha chế từ cơ sở ở Cần Thơ, tuy nhiên trong thực tế sữa được pha chế lại diễn ra tại một địa điểm khác không phải là nơi pha chế của doanh nghiệp, chỉ cách hiện trường các em học sinh bị ngộ độc 10km? Không biết kho này có được vô trùng? Có được kiểm tra kỹ càng sản phẩm trước, trong và sau khi hoàn thành đóng gói? Ai có thể khẳng định rằng toàn bộ nguyên liệu để pha chế sữa tươi này đảm bảo chất lượng, vẫn còn nguyên thời hạn sử dụng? Nestle có sử dụng sữa kém chất lượng để làm chương trình “Từ thiện” cho các em học sinh sử dụng?
Học sinh bị ngộ độc đang nằm điều trị tại bệnh viện
Đối với Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo Hậu Giang là hai đơn vị đồng ý cho triển khai uống sữa miễn phí và kiểm định sản phẩm trước khi cho trẻ em dùng, không thể nói vô can. Bởi lẽ trước khi đống ý Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Y tế phải là đơn vị kiểm tra xem xét thật kỹ càng trước khi ban hành Công văn gửi đến các Phòng giáo dục và các nhà trường để triển khai trương trình uống sữa miễn phí này của Nestle, phải yêu cầu phía nhà cung cấp tuân thủ các điều khoản nhằm bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Có hay không việc “Lơ là” của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát Công ty TNHH Nestle thực hiện việc pha chế và vận chuyển đến cho các em học sinh sử dụng. Rất may là không có em học sinh nào bị thiệt hại đến tính mạng trong trương trình uống sữa miễn phí này của Công ty TNHH Nestle, nếu không thì hậu quả khôn lường.
Tuyên bố của ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang, cũng đã nói rõ công đoạn chế biến có vấn đề, thế nhưng cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xác minh chưa? Kết quả như thế nào? Trách nhiệm chính chắc chắn không thể ai khác ngoài Công ty TNHH Nestle vì đã cung cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn trách nhiệm của Sở Giáo dục & Đào tạo; Sở Y tế thì sao?
Câu hỏi này xin nhường lời cho các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hậu Giang.
Lên tiếng về vụ ngộ độc sữa trên, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (nhãn hàng MILO) cho biết, hoạt động cho học sinh uống MILO bổ sung dinh dưỡng nằm trong hoạt động do Công ty TNHH Quảng cáo & Dịch vụ MC, đơn vị được Nestlé Việt Nam ủy quyền thực hiện tại các tỉnh phía Nam, trong đó có tỉnh Hậu Giang. Ngày 27/10/2017, theo thông tin chính thức từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang, 39 học sinh tại hai trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền tỉnh Hậu Giang sau khi uống sữa đã có triệu chứng ngộ độc thực phẩm và nhập viện. Cho tới nay, theo thông tin từ cơ quan chức năng, sức khỏe tất cả các em học sinh do sự cố đã trở lại bình thường. Không có thêm trường hợp nào nhập viện do sự cố trên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Nestlé Việt Nam đã tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tìm ra nguyên nhân cũng như cử đại diện trực tiếp thăm hỏi và làm việc tại địa phương. Công ty cũng chủ động cho ngừng ngay lập tức toàn bộ các hoat động phát MILO trong trường tiểu học trên toàn quốc.
Các kết quả kiểm nghiệm do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang gửi mẫu đã xác định sản phẩm MILO được sử dụng trong sự cố này an toàn và đạt chuẩn chất lượng. Tất cả sản phẩm MILO sử dụng trong chương trình là sản phẩm mới và còn hạn sử dụng.
Ngày 6/11/2017, UBND tỉnh Hậu Giang đã ra Thông cáo báo chí thông báo kết luận về sự cố:
“Kết quả xét nghiệm mẫu sữa MILO chưa pha và mẫu sữa đặc Ngôi sao Phương Nam đảm bảo các tiêu chuẩn được cấp phép.
Kết luận: ngộ độc thực phẩm do uống thức uống của Công Ty MC pha chế; Có 39 học sinh ngộ độc. Nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus”.
Nestlé Việt Nam tiếp nhận quyết định của chính quyền với tinh thần cầu thị và lắng nghe và tôn trọng kết luận của các cơ quan chức năng về nguyên nhân sự cố cũng như cách khắc phục. Đối với sức khỏe của các em bị ảnh hưởng bởi sự cố này, Nestlé Việt Nam cam kết chi trả viện phí cho các em học sinh trong thời gian điều trị, cũng như hỗ trợ cho hai trường học để khắc phục sự cố. Nestlé Việt Nam rất lấy làm xin lỗi về sự cố dù nguyên nhân đến từ đâu.
Nestlé Việt Nam cam kết sẽ rà soát tất cả các khâu và nhất là việc thực hành quy trình của các đối tác, để đảm bảo rằng sự cố đáng tiếc này không xảy ra lần nữa.
Sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng là mối quan tâm hàng đầu của Nestlé Việt Nam. Kết quả của một xét nghiệm khác tại một phong xét nghiệm độc lập cũng đã khẳng định sản phẩm MILO an toàn để sử dụng. Nestlé Việt Nam xin khẳng định rằng tất cả các sản phẩm đều được kiểm định chặt chẽ trước khi ra khỏi nhà máy.
Tại Nestlé, chất lượng sản phẩm và sự tôn trọng mỗi cá nhân, tôn trọng cộng đồng luôn là nền tảng cho hoạt động kinh doanh. Sự phát triển của cộng đồng cũng là sự phát triển của Nestlé tại Việt Nam.