Thương lái ngâm tẩm hoá chất kiếm lời mới là đối tượng chính gây ra ngộ độc thực phẩm

02/07/2017 10:29 AM | Xã hội

"Phải có tiêu chuẩn, chuẩn mực cho những người tham gia buôn bán bởi chính thương lái là đối tượng tác động nhiều nhất khiến chất lượng thực phẩm kém. Ngay đối với ngành thủy sản cũng đã xảy ra nhiều vụ thương lái bơm tạp chất, bơm nước vào tôm hoặc ngâm tẩm hoá chất để kiếm lời", đại diện VASEP cho hay.

Tại Hội nghị " An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại nghị định sửa đổi nghị định 38/2012/NĐ-CP", hầu hết các doanh nghiệp, Hiệp hội đều cho rằng, một số quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP gây không ít trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp trong thông quan, quy trình đưa sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường,…và cần phải sửa đổi.

Cụ thể, trong công tác kiểm nghiệm, doanh nghiệp gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định; sau khi tiến hành kiểm nghiệm đạt chất lượng, doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tiếp đến, doanh nghiệp nộp cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng; Cục An toàn thực phẩm thẩm xét giấy tờ, cấp giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Sau đó, công tác hậu kiểm với cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, thủ tục để được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm rất rườm rà, thời gian kéo dài lâu từ 30 đến 45 ngày, thậm chí có trường hợp kéo dài đến 6 tháng, gây phiền toái và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Quản lý chợ đầu mối, thương lái

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng cách quản lý bằng thủ tục giấy tờ như hiện nay rất lạc hậu và không hiệu quả. Đồng thời, bà cũng kiến nghị nên tập trung vào quản lý các chợ đầu mối, các thương lái - đối tượng chính gây ra các vụ ngộ độc vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

"Thế giới đã quản lý hệ thống, quản lý rủi ro trên cơ sở các hệ thống quy chuẩn và doanh nghiệp phải đáp ứng quy chuẩn đó. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn áp dụng phương pháp lấy mẫu. Tôi không hiểu làm sao mà việc lấy 1 vài mẫu lại đại diện được cho bao nhiêu hàng hoá, trong khi biên chế nhà nước thì có hạn mà sản lượng thực phẩm không ngừng tăng lên", bà Minh cho hay.

Sở dĩ các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) không ngừng phát triển và gia tăng giá trị xuất khẩu của nước ta là bởi họ đáp ứng được tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, trong khi thủ tục hành chính của Việt Nam thì rườm rà, khó khăn và cách làm lạc hậu.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cách quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ các hộ kinh doanh, các cảng cá, chợ cá là khâu đầu của chuỗi thực phẩm. Phải có tiêu chuẩn, chuẩn mực cho những người tham gia buôn bán bởi chính thương lái là đối tượng tác động nhiều nhất khiến chất lượng thực phẩm kém.

Ngay đối với ngành thuỷ sản cũng đã xảy ra nhiều vụ thương lái bơm tạp chất, bơm nước vào tôm hoặc ngâm tẩm hoá chất để kiếm lời. Chính vì vậy, các chợ đầu mối mới là nơi cần đẩy mạnh quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trước tiên.

99% ngộ độc từ bếp ăn, nhà hàng còn sản phẩm đóng gói chỉ 1%

Đồng quan điểm với bà Minh, đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng cho rằng, quy định cấp giấy phép Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với thực tiễn và không có hiệu quả bởi "có đến 99% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể, nhà hàng, thức ăn đường phố…, chỉ có 1% liên quan đến thực phẩm bao gói sẵn. Trong khi đó, cơ quan quản lý đã tập trung nhiều nhân lực chỉ để quản lý 1% này và cũng chỉ quản lý trên hồ sơ".

Đồng thời, sau khi được cấp giấy chứng nhận phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với công bố của mình, Cục An toàn thực phẩm chỉ xem xét hồ sơ, nhưng việc “tự công bố” đã bị Cục An toàn thực phẩm biến thành cấp phép nhưng lại không chịu trách nhiệm về sản phẩm khiến doanh nghiệp nghi ngại.

Trả lời BizLIVE, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo luật thì thực phẩm chế biến, bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp chuẩn với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của nước ta còn kém nên phải thực hiện song song tiền kiểm và hậu kiểm. Về chi phí và thời gian, vị này cho biết chi phí ở Việt Nam chỉ khoảng 70 USD thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ hay Singapore.

Dù vậy, một số doanh nghiệp cho rằng các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đã quản lý nguyên liệu đầu vào và tập trung vào hậu kiểm, không tiền kiểm và hiệu quả thấp như Việt Nam.

Theo Hạ An

Cùng chuyên mục
XEM