Vụ “biến" bạch tuộc đen thành trắng tinh sau 30 phút: Chủ một mực chối, nhân viên khai “Nếu em ăn thì em không cho cái chất đấy vào!”

29/07/2018 11:16 AM | Xã hội

Sau khi tiến hành phân tích bằng những phương pháp hiện đại, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hóa chất công nghiệp dùng để sơ chế bạch tuộc tại chợ Long Biên (Hà Nội). Tuy nhiên chủ cơ sở vẫn một mực khẳng định không có chất độc hại nào, trong khi đó nhân viên chỉ cần "hô biến" trong 30 phút để bạch tuộc đen thành trắng.

Phát hiện hóa chất độc hại trong bạch tuộc, chủ cơ sở vẫn một mực chối

Sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản về an toàn vệ sinh thực phẩm, một cơ sở sơ chế hải sản phía sau chợ Long Biên (Hà Nội) đã tạm dừng mọi hoạt động tẩy rửa, sơ chế bạch tuộc. Tuy nhiên phía trước cửa vẫn còn hàng chục thùng xốp chứa hơn 300 kg bạch tuộc chờ mang đi tiêu thụ. Phòng cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã sử dụng xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, lấy mẫu bạch tuộc đang để trong các thùng xốp để xét nghiệm nhanh.

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra phát hiện có chứa chất cấm trong bạch tuộc. "Đối với chỉ tiêu hocmon thì âm tính nhưng với chỉ tiêu chloramphenicol thì có kết quả dương tính" - chị Chu Thị Hạnh Ngân (Kiểm nghiệm viên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết.

Nhân viên cơ sở "biến" bạch tuộc đen thành trắng tinh sau 30 phút: Nếu khi em ăn thì em không cho cái chất đấy vào! Nguồn: VTV24.

Được biết, chloramphenicol có trong bạch tuộc của cơ sở này là hóa chất nằm trong danh sách hóa chất kháng sinh bị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấm dùng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến động vật thủy sản. Trước đó kết quả kiểm nghiệm của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế cũng cho thấy, tồn dư nhiều hóa chất tẩy rửa công nghiệp trong mẫu nước và bạch tuộc.

Dù kết quả rõ ràng nhưng chủ cơ sở vẫn một mực khẳng định không sử dụng chất cấm trong quá trình sơ chế hải sản. Thậm chí người này còn đưa lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật về kết quả kiểm tra, cũng như nội dung mà báo chí đã nêu nhằm đánh lạc hướng người tiêu dùng.

"Không có một cái gì hóa chất gì hết, em đảm bảo với chị là như thế"- chủ cơ sở cho hay.

Vụ “biến bạch tuộc đen thành trắng tinh sau 30 phút: Chủ một mực chối, nhân viên khai “Nếu em ăn thì em không cho cái chất đấy vào!” - Ảnh 2.

Bạch tuộc kiểm tra được xác định có chứa hóa chất độc hại. Ảnh cắt từ clip.

Vụ “biến bạch tuộc đen thành trắng tinh sau 30 phút: Chủ một mực chối, nhân viên khai “Nếu em ăn thì em không cho cái chất đấy vào!” - Ảnh 3.

Tuy nhiên chủ cơ sở vẫn khẳng định là không có. Ảnh cắt từ clip.

Chủ nói một đằng, nhân viên khai một nẻo: Nếu em ăn, em sẽ không đổ chất đấy vào!

Tuy nhiên khi PV tiếp cận nhân viên của cơ sở này, lời khai nhận lại hoàn toàn khác. Theo đó, cô gái trẻ được giao nhiệm vụ khuấy bạch tuộc trong thùng dung dịch. Cô cho biết được chủ đưa cho một chai nhựa đặt bên cạnh tủ inox để pha trộn với muối và nước trước khi cho bạch tuộc vào khuấy.

"Khuấy bạch tuộc trong inox, em bỏ đá với muối và... chất gì em không biết. Đó là chất lỏng như nước, có màu trắng do bà chủ mua nhưng không nói đấy là nước gì. Nó làm trắng bạch tuộc lên một tý. Em cũng không biết, em thấy nhiều người làm vậy xong bà chủ làm theo.

Nếu khi em ăn thì em không cho cái chất đấy vào" - cô gái trả lời.

Vụ “biến bạch tuộc đen thành trắng tinh sau 30 phút: Chủ một mực chối, nhân viên khai “Nếu em ăn thì em không cho cái chất đấy vào!” - Ảnh 4.

Nhân viên được thuê để khuấy bạch tuộc trong thùng inox có chứa chất lỏng màu trắng. Ảnh cắt từ clip.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở cũng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hơn 300kg bạch tuộc đã tẩy rửa. Số hàng này đã bị cơ quan chức năng niêm phong, tạm giữa tại kho đông lạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm.

Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên khu vực chợ thủy hải sản Long Biên xuất hiện tình trạng tẩy trắng mực bẩn, bạch tuộc bằng hoá chất công nghiệp. Năm 2009 và năm 2014 cơ quan Công an TP Hà Nội cũng phát hiện một số cơ sở tại khu chợ này sử dụng Hydro Peroxid để tẩy trắng, loại bỏ mùi thối của hải sản hư hỏng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều tiểu thương vẫn công khai bất chấp quy định của pháp luật, đánh đổi sức khỏe của cộng đồng nhằm thu lợi bất chính.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM