Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Nhiều bị cáo gửi tâm thư từ Mỹ

23/12/2022 13:01 PM | Xã hội

Tại phiên toà xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC và đồng phạm, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, đã công bố nội dung bức thư bị cáo này gửi từ Mỹ

Ngày 23-12, phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các đơn vị có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi.

Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Nhiều bị cáo gửi tâm thư từ Mỹ - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên toà xét xử

Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, công bố bức thư của của thân chủ của mình gửi cho Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội từ trước khi diễn phiên xét xử.

Cụ thể, nội dung bức thư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết thể hiện bị cáo này biết đang chịu xét xử vắng mặt thông qua báo chí. Trong bức thư, bị cáo Thuyết trình bày 3 nội dung, đầu tiên là nói nhận thông tin phiên tòa quá gấp, không thể về Việt Nam dù "rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày". Bên cạnh đó, bị cáo này đồng ý để luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho mình.

Cuối cùng, trình bày về cáo buộc "quân xanh, quân đỏ", bị cáo Thuyết cho biết khoảng 10 năm trước, có người nhờ bị cáo ký hồ sơ dự thầu nhưng quá lâu nên "ai nhờ tôi không nhớ". Ngoài ra, bị cáo này cũng khẳng định tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng vụ án vì chúng là "kết quả làm việc của cơ quan có thẩm quyền".

Tuy nhiên, bị cáo Thuyết bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát về việc mình "bỏ trốn, cần xử lý nghiêm". Trong thư, bị cáo Thuyết khẳng định không biết có vụ án này khi xuất cảnh ra nước ngoài vào tháng 4-2021.

Cụ thể, Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho người này xuất cảnh và khi đó, vụ án AIC chưa hình thành, chưa được khởi tố. Bị cáo ở Mỹ từ đó đến nay vì có 2 con nhỏ đang học mà theo pháp luật Mỹ, cả hai phải có người giám hộ. Bị cáo Thuyết cho biết thêm rằng đã ly hôn và giữ quyền giám hộ.

Bị cáo Thuyết cũng trình bày tiến độ xử lý vụ án quá nhanh, hồ sơ chuyển từ Viện kiểm sát sang tòa chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử. "Thời gian quá ngắn, bất khả kháng để thu xếp cho gia đình và công việc để về tham gia phiên tòa"- thư bị cáo Thuyết nêu.

Cuối cùng, bị cáo Thuyết mong HĐXX, các cơ quan tư pháp, luật sư sẽ giải quyết thấu đáo cho bị cáo, cho hưởng khoan hồng. Đồng thời, bị cáo đã gửi tiền về gia đình, qua đó đưa cho Công ty Thành An Hà Nội để khắc phục toàn bộ tiền thu lời bất chính.

Sáng cùng ngày, luật sư của bị cáo Vinh Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên, trình bày đã nhận lời nhắn từ thân chủ của mình, hiện đang ở Mỹ. Hiện, bị cáo Vinh cho biết đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ đồng thời phải chăm sóc con nhỏ đang bị tự kỷ nên không thể về nhưng sẽ "hợp tác với tòa".

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thuyết có hành vi làm "quân xanh, quân đỏ" giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 55 tỉ đồng rồi hưởng lợi bất chính hơn 1,9 tỉ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Vinh bị xét xử vắng mặt với cáo buộc làm "quân xanh" giúp AIC trúng 10 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai. Hành vi của bị cáo Vinh bị cho là gây thiệt hại gần 80 tỉ đồng và qua đây, người này hưởng lợi 120 triệu đồng.

Trong số 36 bị cáo bị truy tố trong vụ án này, có tới 8 bị cáo bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch HĐQT Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC. Ngoài ra, còn có Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.

Do đó, cơ quan tố tụng đã đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp tiếp tục bỏ trốn, VKSND Tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và truy tố theo quy định của pháp luật.

Theo hồ sơ vụ án, do có quen biết với cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, bị cáo Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Năm 2013, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu, mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định. Cùng với đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

Từ thủ đoạn nêu trên, Công ty AIC được chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Nhàn cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC đã chi 43,8 tỉ đồng hối lộ cho: Cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái; cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ. Cụ thể, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỉ đồng, ông Thái 14,5 tỉ đồng và ông Vũ 14,8 tỉ đồng.

Theo Nguyễn Hưởng

Cùng chuyên mục
XEM