VTVcab đang kiếm tiền bằng những cách nào?

04/04/2018 14:29 PM | Kinh doanh

VTVcab là viết tắt của Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam, là công ty sở hữu toàn bộ bởi Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Ngày 1/4, nhiều khách hàng của hệ thống truyền hình VTVcab bất ngờ khi không thể tìm được một loạt kênh ưa thích từ trước đến nay, như HBO, Discovery, Fox Sports, Cartoon Network... Đây là các kênh truyền hình nổi tiếng của các nhà sản xuất trên thế giới và được rất nhiều người Việt Nam ưa thích.

Thay vào đó, địa chỉ cũ của các kênh này đã nhường đất cho các kênh truyền hình như HBO giờ đây chuyển thành BOX Movies 1, Cartoon Network chuyển thành Baby TV, Discovery chuyển thành Planet Earth, Max chuyển thành Hollywood Classics, MTV chuyển thành Da Vinci.

Trước phản ứng của người tiêu dùng, mới đây Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương đã yêu cầu VTVcab báo cáo sự việc để tiến hành xác minh. VTVcab là tên quen thuộc nhưng về hoạt động kinh doanh cũng ít người hiểu đơn vị này đang "kiếm tiền" từ đâu ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình cho khách hàng?

"Mỏ vàng" quảng cáo

VTVcab là viết tắt của Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam, là công ty sở hữu toàn bộ bởi Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Hoạt động kinh doanh chính của Tổng công ty này gồm: Cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Thực hiện hoạt động viễn thông có dây (Điều hành hệ thống phát bằng cáp), Hoạt động cung cấp dịch vụ truy cập internet bằng viễn thông có dây, Quảng cáo truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông và thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất.

Tính đến thời điểm báo cáo tài chính gần nhất do VTVcab được công bố (30/6/2016), tổng công ty này có 2 công ty con là CTCP Công nghệ Việt Thành và CTCP truyền hình tương tác Việt Nam (VTVlive). VTVcab cũng đầu tư liên kết vào 3 công ty gồm CTCP VTVcab Nam Định, Công ty TNHH Mua sắm tại nhà VTV-Huyndai, CTCP Truyền thông, quảng cáo đa phương tiện (SmartMedia).

Theo tạp chí Forbes Việt Nam (số tháng 2/2017), quy mô thị trường quảng cáo Việt Nam vào khoảng 1,5-1,6 tỷ USD. Trong đó 60% thị phần thuộc về quảng cáo truyền hình, còn lại là các phương tiện khác như quảng cáo trực tuyến, báo in, tạp chí.

Trong 4 tên tuổi dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trên thị trường hiện nay có VTV- đơn vị sở hữu VTVcab với mức giá cao nhất là 360 triệu đồng/spot 30’’. Tiếp theo là THVL mức giá quảng cáo đắt nhất là 150 triệu đồng/spot 30’’, HTV mức quảng cáo đắt nhất là 100 triệu đồng/spot 30’’, cuối cùng là TodayTV (thuộc IMC Group) với mức 80 triệu đồng/spot 30’’.

Về doanh thu quảng cáo, theo số liệu của Kantar Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2016, VTV3 đạt mức 140 triệu USD, THVL1 và VCT7- Today TV khoảng 83 triệu USD. Ngoài ra những kênh khác như HTV7 đạt 67 triệu USD, VTVcab12- Style TV với 64 triệu USD, SCTV13 LÀ 61,7 triệu USD, VTVcab5- E Channal và VTV1 cùng khoảng mức 50 triệu USD. 

Đây có thể xem là doanh thu tương đối với các nhà đài tuy nhiên thực tế sẽ có sự chênh lệch do chính sách chiết khấu quảng cáo khác nhau của các kênh, các chương trình tài trợ, tư vấn tiêu dùng, quảng cáo logo, chạy chữ, chèn panel.

VTVcab đang kiếm tiền bằng những cách nào? - Ảnh 1.

Hình thức quảng cáo Logo góc, chạy chữ của VTVcab

Nguồn thu từ xã hội hóa

Ngoài nguồn thu trực tiếp từ quảng cáo, VTV đã đầu tư hệ thống cho VTVcab liên doanh với nhiều đài truyền hình địa phương, cho nhiều nhà đầu tư tư nhân thuê hạ tầng kỹ thuật theo phương thức xã hội hóa truyền hình. Theo Forbes, xu hướng này tạo điều kiện cho dòng vốn tư nhân đổ vào truyền hình năm 2003 và xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tên tuổi.

Có thể kể đến như Canal Plus rốn vốn vào K+, Quỹ đầu tư IDJ góp vốn vào Yan TV, tập đoàn Lotte liên doanh vơi Đất Việt phát triển kênh mua sắm Lotte Đất Việt Home Shopping. Với VTVcab là liên doanh với tập đoàn Huyndai (công ty liên kết nói trên) hợp tác cho ra đời kênh Huyndai Homeshopping-VTVcab 13.

Nguồn thu từ việc xã hội hóa này cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho VTVcab. Theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh thu được chia từ các hợp đồng BCC từ các đối tác kinh doanh của công ty này đạt 94,7 tỷ đồng, năm 2014 là 148,9 tỷ đồng.

VTVcab đang kiếm tiền bằng những cách nào? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia trong ngành, xã hội hóa truyền hình có 2 xu hướng chính. Thứ nhất, xã hội hóa theo kênh còn gọi là "bán dọc". Theo đó các nhà đầu tư truyền hình thuê hạ tầng kỹ thuật của VTV, HTV, VTC với chi phí từ 20-50 tỷ đồng/năm sau đó tự xây dựng nội dung quảng cáo, kinh doanh.

IMC Group được xem là nhà đầu tư tiên phong cho hình thức "bán dọc". Đơn vị này thành lập lăn 2008 là hiện khai thác, phát triển, quản lý nội dung của các kênh truyền hình như Today TV, MTV, SNTV, Rail TV, You TV. Trong đó thành công nhất là Today TV với phim truyền hình dài tập nổi tiếng "Cô dâu tám tuổi".

Xu hướng thứ 2 là xã hội hóa theo giờ hay còn gọi là "bán ngang". Trong đó các công ty truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện như BHD, Cát Tiên Sa, Đất Việt… thành đối tác sản xuất chương trình bán cho nhà đài hoặc đổi lấy quyền khai thác quảng cáo.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM