Với chiêu "phá sản kiểu Mỹ" này, giá xăng khó mà tăng lên được cho dù OPEC hay Nga cắt giảm sản lượng

28/10/2016 09:23 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo nhiều chuyên gia, giá dầu sẽ khó tăng cao trở lại dù Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay những nước sản xuất dầu lớn như Nga hạ sản lượng. Nguyên nhân là do những công ty khai thác đã phá sản vẫn còn đang “thoi thóp”.

Nhiều nhà đầu tư ngành năng lượng và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hy vọng giá dầu thấp sẽ khiến nhiều công ty khai thác phá sản, qua đó giảm bớt nguồn cung trên thị trường hiện nay và đẩy giá tăng trở lại.

Trớ trêu thay, nhiều công ty năng lượng Mỹ đã nộp đơn phá sản những các mở khai thác của họ lại vẫn hoạt động. Nguyên nhân chính là những công ty này nộp đơn phá sản theo điều 11 của luật phá sản Mỹ, qua đó công ty của họ vẫn sẽ được vận hành dưới sự giám sát của Tòa Án và các chủ nợ nhằm thu lại lợi ích lớn nhất, thậm chí hồi phục lại hoạt động của doanh nghiệp.

Trong năm 2015-2016, Mỹ đã có khoảng 70 doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến nộp đơn phá sản nhưng theo hãng Wood Mackenzie những doanh nghiệp này vẫn đang khai thác khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, mức tương đương so với thời kỳ trước khi nộp đơn phá sản.

Sản lượng này tương đương 5% tổng sản lượng khai thác của toàn nước Mỹ.

Chính lượng dầu khai thác từ những công ty này khiến kho dầu mỏ dự trữ của Mỹ tiếp tục ở mức cao còn giá dầu bị giới hạn quanh ngưỡng 50 USD/thùng.

Phá sản những vẫn thoi thóp

Trên thực tế, các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia đã bị đánh lừa bởi cái gọi là “phá sản” tại Mỹ. Những trường hợp này thường được ví von là "xác sống" (Zombie).

Trong số 5 tập đoàn khai thác than lớn nhất nước Mỹ, 3 công ty là Peabody Energy, Arch Coal và Alpha Natural Resources đã nộp đơn phán sản trong vòng 18 tháng qua. Cả 3 công ty này chiếm tới 36% tổng sản lượng toàn nước Mỹ trong nửa đầu năm 2015 và dù đã nộp đơn phá sản nhưng 3 ông lớn này vẫn chiếm 33% tổng sản lượng khai thác than toàn quốc từ đầu năm đến nay.


3/4 công ty khai thác than lớn nhất Mỹ dù đã nộp đơn phá sản nhưng vẫn chiếm đáng kể trong tổng sản lượng khai thác toàn quốc (%)

3/4 công ty khai thác than lớn nhất Mỹ dù đã nộp đơn phá sản nhưng vẫn chiếm đáng kể trong tổng sản lượng khai thác toàn quốc (%)

Có thể nói, luật pháp nước Mỹ được thiết kế để cứu những công ty vẫn còn hy vọng và đem lại lợi ích lớn nhất cho nhà đầu tư cũng như các cổ đông. Tuy nhiên, chính điều này đang khiến thị trường năng lượng trở nên khó dự đoán hơn.

Từ đầu năm đến nay, dù nhiều công ty năng lượng đã phá sản nhưng các doanh nghiệp khai thác cũng như nhập khẩu của Mỹ vẫn cung cấp 18 triệu thùng dầu vào kho dự trữ của Mỹ, nâng tổng số dầu thô trong kho lên mức 469 triệu thùng.

Trong khi đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng than dự trữ của Mỹ tính đến tháng 6/2016 đủ cho tất cả các nhà máy nhiệt điện của nước này vận hành thêm 80 ngày.

Rõ ràng, với sự dư thừa này thì giá dầu cũng như năng lượng chẳng thể đi lên được mấy dù OPEC hay Nga quyết định hạn chế khai thác.

Xác chết sống lại

Mặc dù giá dầu ở mức thấp trong dài hạn khiến nhiều công ty khai thác phá sản, nhưng chúng cũng góp phần khiến các doanh nghiệp năng lượng mạnh tay cắt giảm chi phí và tiếp tục có lợi nhuận khi khai thác.

Kể từ năm 2012, hãng Peabody đã sa thải 1.650 nhân viên và cắt giảm chi tiêu từ 997 triệu USD/năm xuống 111 triệu USD mỗi năm. Nhờ đó, mức lợi nhuận cận biên tại 3 mỏ lớn nhất của hãng đã tăng từ 3,45 USD/tấn năm 2011 lên 3,46 USD/tấn năm 2015.

Thậm chí, trường hợp của công ty Midstates Petroleum còn trớ trêu hơn khi hãng nộp đơn phá sản vào ngày 30/4/2016 nhưng lại bắt đầu khai thác mỏ mới ngay vào ngày hôm sau. Chiến lược của công ty này là đóng cửa các mỏ khai thác cũ ngay trước khi nộp đơn phá sản và chỉ khai thác 1 mỏ mới duy nhất sau đó nhằm kiếm thêm tiền trả nợ và chờ thờ khôi phục lại.


Top 10 công ty dầu mỏ phá sản tại Mỹ với ngày nộp đơn, tổng số nợ (tỷ USD) và sản lượng khai thác năm 2015 (nghìn thùng/ngày)

Top 10 công ty dầu mỏ phá sản tại Mỹ với ngày nộp đơn, tổng số nợ (tỷ USD) và sản lượng khai thác năm 2015 (nghìn thùng/ngày)

Một số công ty năng lượng tại Mỹ hiện nay như Halcon Resources, SandRidge Energy hay Goodrich Petroleum... đã hồi phục lại sau khi nộp đơn phá sản theo điều 11 chỉ trong vòng 2-6 tháng.

Các ngân hàng Mỹ cũng quá quen với kiểu “phá sản” này và rất rộng rãi để cho các doanh nghiệp làm lại. Mặc dù đã nộp đơn phá sản nhưng các công ty Halcon, SandRidge... vẫn nhận được thêm khoản vay 1,3 tỷ USD từ các ngân hàng chủ nợ của mình.

Có một câu chuyện khá thú vị trong ngành than tại Mỹ. Ông chủ của tập đoàn khai thác than Murray Energy là Robert Murray đã thành công ép nhiều đối thủ của mình phá sản từ năm 2014 nhằm mở rộng thị phần. Tuy nhiên, mới đây chính ông Murray lại đang phải đàm phán lại với các chủ nợ của mình để tránh phải nộp đơn phá sản.

Nguyên nhân rất đơn giản, dù đối thủ của Murray phá sản nhưng một số mỏ của họ vẫn hoạt động theo điều 11 luật phá sản Mỹ khiến thị trường tiếp tục thừa than và quany lại đẩy chính ông Murray vào thế khó.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM