Vô dụng: Lý do thực sự khiến Bitcoin lao dốc thảm hại?
Liệu ai có thể giải thích Bitcoin thực sự được dùng làm gì không?
Niềm tin còn lại
Theo tờ Fortune, lý do thực sự khiến đồng Bitcoin mất giá hiện nay là người chơi chẳng giải thích được chúng có ích gì cho nền kinh tế cũng như đời sống. Một số người cho rằng Bitcoin có thể thay thế đồng USD để trở thành một đồng tiền mới, số khác thì tán dương khả năng chống lạm phát và giữ tài sản trong khủng hoảng.
Thậm chí, nhiều nhà đầu cơ cho rằng Bitcoin có thể là kênh trú ẩn tài sản bởi loại tiền số này sẽ liên tục tăng giá khi lượng cung của nó có hạn.
Trên thực tế, Bitcoin chưa được dùng cho thanh toán rộng rãi ở bất kỳ thị trường nào bởi tính biến động về giá quá lớn của nó. Ngay cả khi thị trường chứng khoán gặp khủng hoảng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Bitcoin cũng thất bại thảm hại với vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản. Thay vào đó, người dân vẫn an tâm với vàng hay bất động sản nhiều hơn.
Minh chứng rõ nhất cho sự thất bại này là vụ bê bối sập sàn giao dịch Thodex ở Thổ Nhĩ Kỳ khi Ngân hàng trung ương cấm giao dịch bằng tiền số và CEO của sàn bỏ trốn với 2 tỷ USD, để lại 400.000 người chơi than khóc.
Trong 3 năm qua, Bitcoin đã tăng giảm giá liên tục và sự điều chỉnh của thị trường tiền số này còn đáng sợ hơn biến động giá dầu trong 20 năm qua cộng lại. Theo Fortune, Bitcoin cho dù được ca ngợi là gì thì cũng không phải nơi trú ẩn an toàn với tài sản.
Sau khi đạt đỉnh 64.800 USD vào phiên 14/4/2021, Bitcoin mất giá tới hơn 23% xuống 49.700 USD chỉ 10 ngày sau đó, khiến thị trường bốc hơi hơn 200 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Hà Lan Alex de Vries, người điều hành Digiconomist mỉa mai rằng thứ duy nhất các nhà đầu cơ có thể bám víu vào hiện nay là niềm hy vọng đồng tiền số này sẽ lại tăng giá như những lần trước và sẽ lại có "kẻ khờ" mới nhảy vào thị trường để trả cao hơn số tiền bạn bỏ ra.
Hầu hết những bong bóng tài sản đầu cơ đều vô dụng và mọi người thường cố tung hô chúng lên để bẫy người chơi mới. Trong khi bất động sản hay chứng khoán có tác dụng rõ ràng với nền kinh tế thì những bong bóng như lan đột biến, hoa tulip Hà Lan hay thậm chí là Bitcoin lại chẳng chứng minh được tại sao nó có mức giá điên rồ như vậy.
Việc Bitcoin không được quản lý bởi chính phủ và công nghệ của nó giúp đồng tiền này phổ biến trên toàn cầu là đúng, nhưng có lẽ chính ưu điểm này khiến các nhà đầu cơ liên tục đẩy giá chúng lên mà chẳng sợ thiếu những người chơi mới nhảy vào.
Đồng tiền "trong mơ"
Xét trên phương diện hạ tầng tài chính, hệ thống thanh toán của Bitcoin vô cùng yếu kém. Những mỏ đào Bitcoin chỉ có thể xử lý tối đa 7 giao dịch mỗi giây và con số này đang giảm xuống chỉ còn 5 sau những vụ đổ vỡ thị trường và lời than vãn về tốn điện hay ô nhiễm môi trường.
Trái ngược lại nếu dùng thẻ thanh toán Visa, hệ thống này có thể xử lý 65.000 giao dịch mỗi giây. Thậm chí khi hệ thống bị quá tải, Bitcoin cũng cho thấy những lỗi bất cập của nó để có thể xứng tầm là một nền tảng giao dịch hữu hiệu.
Thông thường người dùng sẽ phải thanh toán phí cho thợ đào Bitcoin để đăng ký lệnh giao dịch trên hệ thống Blockchain. Khi hệ thống trở nên đông đúc, thợ đào sẽ ưu tiên cho những giao dịch đóng phí cao hơn, vậy là người trả nhiều tiền sẽ được ưu tiên xử lý trước trên hệ thống thay vì xếp hàng trước sau.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán bằng Bitcoin có chi phí khá đắt đỏ cùng như dễ khiến các máy tính sập nguồn.
"Mức chi phí bình quân cho các giao dịch bằng Bitcoin trong năm nay vào khoảng 16-20 USD, thế nhưng con số này lên đến 30 USD vào tháng 2/2021 do lượng giao dịch đông và lên đến 59 USD vào ngày 23/4 do một trận lũ ở các mỏ than tại Trung Quốc khiến nhiều máy đào tiền số nơi đây mất điện. Thế rồi hệ thống trở nên quá tải khi quá nhiều người bán lúc Bitcoin mất giá", Chuyên gia Vries cho biết.
Một minh chứng nực cười nữa là nếu bạn mua 100 USD tiền hoa quả bằng Bitcoin thì phải 1 tiếng sau mới nhận được thông báo xác minh. Trong khoảng thời gian đó, cửa hàng sẽ chịu rủi ro với biến động về giá của Bitcoin và đương nhiên đây là lý do chẳng nơi nào chịu dùng loại tiền số này cho giao dịch.
"Giá trị đồng Bitcoin có thể mất 10% chỉ trong 1 giờ, đó là chưa kể khách hàng phải thanh toán phí giao dịch lên đến 20 USD hoặc hơn tùy vào độ ‘tắc nghẽn’ của hệ thống", Chuyên gia Vries nhấn mạnh.
Rõ ràng Bitcoin chẳng thân thiện với người tiêu dùng và quá đắt đỏ. Cho dù người ta có ca ngợi công nghệ này sẽ cải thiện ra sao đi chăng nữa thì việc biến động về giá trên thị trường đầu cơ là không thể tránh khỏi. Bởi vậy Bitcoin chẳng thể nào trở thành một đồng tiền thực thụ trong giao dịch được.
Tài sản chống khủng hoảng?
Vàng, thứ tài sản trú ẩn nổi tiếng nhất trong lịch sử và thường được dùng để so sánh trong các bong bóng đầu cơ hiện đang là khoản đầu tư tệ nhất trong hơn 50 năm qua. Kể từ năm 1974, giá vàng chỉ tăng 100% lên 1.800 USD/ounce nhưng chỉ cố tiêu dùng (CPI) đo lạm phát lại tăng tới 6 lần.
Vậy nhưng người ta vẫn đổ tiền vào vàng để chống lạm phát hay giữ tài sản trong những cuộc khủng hoảng. Kể cả như vậy thì mức biến động của vàng cũng không quá lớn bởi loại tài sản hữu hình này vẫn được kiểm soát phần nào bởi chính phủ.
Tuy nhiên với Bitcoin, độ biến động của tiền số này cao gấp 4 lần vàng. Trong khoảng tháng 12/2017-2/2018, Bitcoin giảm giá từ 19.000 USD xuống chỉ còn 6.300 USD. Nó chứng kiến đợt mất giá 6% khác vào tháng 1/2019, tăng trở lại vào tháng 6/2019 rồi lại bay mất 60% giá trị vào tháng 12/2019.
Nếu mọi người ca ngợi Bitcoin là kênh trú ấn so với chứng khoán thì hãy nhìn dữ liệu năm 2020. Chỉ số S&P 500 từ đỉnh phiên 19/2/2020 tụt dốc xuống đáy phiên 23/3/2020 với mức giảm 33%. Thế nhưng Bitcoin cũng giảm mạnh từ 9.633 USD xuống còn 6.416 USD.
"Đấy là một bài kiểm tra và rõ ràng Bitcoin chỉ là thị trường đầu cơ chứ chẳng chống cái gì cả, nó cũng giảm mạnh nếu chứng khoán đi xuống. Chính xác hơn, Bitcoin cũng bị ảnh hưởng khi thị trường đổ vỡ và suy thoái kinh tế xuất hiện", Chuyên gia Vries nhận định.
Phần lớn người mua Bitcoin đều "cầu nguyện" chứ chẳng hiểu nó dùng để làm gì
Đồ vô dụng
Dù vàng được ca ngợi là kênh trú ẩn an toàn trong dài hạn thì ít nhất nó cũng là tài sản hữu hình và được dùng trong thực tế. Khoảng 70% số vàng được khai thác mỗi năm được dùng cho ngành trang sức và 5% khác được dùng cho mảng điện tử.
Rõ ràng nhu cầu về vàng là ổn định khi nó đóng góp cho nền kinh tế, tương tự như bất động sản hay chứng khoán. Nói đơn giản hơn, chính nhu cầu thực và giá trị hữu hình này giúp vàng có lớp bảo hiểm trong những ngày đen tối nhất khi mất giá.
Trái ngược lại Bitcoin thì chẳng có bảo hiểm gì. Nó không được chế tạo bởi một công ty nào, nguồn cung thì không được kiểm soát. Tổng số Bitcoin có thể xuất hiện trên thị trường là 21 triệu và chừng đó chẳng đủ để đáp ứng hay thỏa mãn bất kỳ yếu tố giao dịch hay hệ thống tài chính nào.
Đó là chưa kể nguồn cung Bitcoin chẳng liên quan gì đến các yếu tố cung cầu của thị trường tiền tệ, GDP hay các vấn đề kinh tế vĩ mô khác. Bạn có nhận ra rằng thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền số đã giảm từ 2/3 xuống chỉ còn ½ khi đồng Ether tăng trưởng chiếm đến 14%. Phải chăng các nhà đầu cơ đang chuyền dần sang một bong bóng mới để bẫy người chơi?
Mua và cầu nguyện
"Bitcoin là tài sản vô hình", Đây là những lời mà nhiều sàn giao dịch tiền số hay nói. Thực tế chẳng ai biết nó có giá trị gì vì chúng không có công dụng thực tế ngoài việc thành sản phẩm cho giới đầu cơ.
Nếu bạn là người hâm mộ Tesla hay tỷ phú Elon Musk, bạn có thể xây dựng mô hình giá Bitcoin theo giá cổ phiếu công ty này. Thế nhưng theo lý thuyết kinh tế thì Bitcoin chẳng có dòng tiền tương lai (Future Cashflow) hay giá trị nội tại (Intrinsic Value) nào để dựng mô hình cả và thứ "tài sản" này về kinh tế học thì gần như vô dụng.
Để mua Bitcoin, hầu như các người chơi đều phải có niềm tin mãnh liệt vào tương lai và ai càng tin nhiều thì sẽ càng trả nhiều tiền hơn để nhảy vào "hố". Thế nhưng xin được nhắc rằng trong kinh doanh, hy vọng và cầu nguyện không thôi sẽ chẳng giúp ích được nhiều.