Tác giả thuật ngữ "Thiên nga đen" gọi Bitcoin là một trò lừa đảo đa cấp, khuyên mua bất động sản hơn là tiền số

24/04/2021 10:28 AM | Kinh doanh

"Đó là trò lừa đào", Chuyên gia Nassim Nicholas Taleb khẳng định.

Nassim Nicholas Taleb là một trong những nhà tư tưởng đầy sáng tạo và là một thiên tài trong mảng tài chính.

Taleb đã tốt nghiệp bằng cử nhân và thạc sĩ ngành khoa học tại Đại học Paris, và hiện đã lấy thêm bằng MBA từ trường Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania và bằng Tiến sĩ ngành Khoa học Quản lý (cho luận án nghiên cứu về toán học trong định giá chứng khoán phái sinh) tại Đai học Paris-Dauphine.

Ông trở nên nổi tiếng khi viết các quyển sách như "Fooled By Randomness" (tạm dịch: "Bị ngẫu nhiên xỏ mũi") và "Thiên nga đen" có nội dung thách thức những quan điểm truyền thống dựa trên các mô hình tài chính và toán học thống kê.

Hiện tượng thiên nga đen (Black Swan) là một sự kiện khó lường và không được dự báo trước, gây ra ra những hậu quả nghiệm trong cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu. Thuật ngữ này được giới thiệu bởi Nassim Taleb trong cuốn sách cùng tên (The Black Swan) năm 2007

Khi hành nghề giao dịch chứng khoán, ông từng kiếm được tới 35 triệu USD vào thời điểm thị trường sụp đổ năm 1987, qua đó chứng tỏ tài năng của mình. Rất nhiều dự đoán của ông về thị trường tài chính đã chính xác và nhận được dự coi trọng của giới chuyên môn.

Trong bài phỏng vấn với hãng tin CNBC gần đây, chuyên gia Nassim Nicholas Taleb đã nhận định Bitcoin chẳng khác gì một mánh lới lừa đảo bởi nó quá rủi ro để trở thành một đồng tiền thay thế tiền truyền thống và cũng chẳng an toàn để chống lại lạm phát.

"Về cơ bản chẳng có mối liên quan nào giữa lạm phát và Bitcoin cả. Không hề. Ý tôi là bạn vừa có thể có một tỷ lệ lạm phát phi mã nhưng giá đồng Bitcoin vẫn về 0 USD. Chẳng có mối liên kết nào giữa chúng cả...Việc xây dựng hệ thống tiền ảo là điều tốt đẹp nhưng chẳng có lý do gì để cố kết nối chúng với những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế", ông Taleb nhấn mạnh.

Thậm chí tác giả của thuật ngữ "Thiên nga đen" này còn cho biết Bitcoin có những dấu hiệu của lừa đảo đa cấp Ponzi một cách rõ ràng nhưng chẳng ai quan tâm khi mờ mắt vì lợi nhuận. Theo đó những kẻ lừa đào thu tiền của người chơi mới để trả cho người cũ, qua đó tiếp tục thu hút những nạn nhân tiếp theo vào mô hình này.

Vào năm 2009 khi đồng Bitcoin tăng giá để trở thành loại tiền số thông dụng nhất thị trường, ông Taleb đã từng có cái nhìn tích cực về đồng tiền này. Thế nhưng giờ đây chuyên gia Taleb thừa nhận sai lầm khi từng cho rằng loại công nghệ này có thể phát triển thành một lựa chọn thay thế tiền truyền thống.

Tác giả thuật ngữ Thiên nga đen gọi Bitcoin là một trò lừa đảo đa cấp, khuyên mua bất động hơn là tiền số - Ảnh 2.

"Một thứ biến động giá tới 5% mỗi ngày, 20% mỗi tháng và lên xuống thất thường chẳng thể trở thành tiền để giao dịch trong lưu thông hàng hóa được. Nó trở thành thứ để đầu cơ, rửa tiền và lừa đảo thì đúng hơn. Tôi đã từng tin rằng Bitcoin có thể trở thành một đồng tiền mới, thế rồi nhận ra rằng nếu không có bảo đảm của chính phủ thì nó chẳng làm được điều đó. Thay vào đó Bitcoin giờ đây thành công cụ đầu cơ và cứ như một trò chơi vậy. Ý tôi là bạn có thể tạo ra một trò chơi mới, một đồng tiền mới và lại gọi nó là sự thay thế cho tiền truyền thống để mời gọi nhà đầu cơ", Chuyên gia Taleb nhấn mạnh.

Mua nhà đất hơn Bitcoin

Bất chấp việc Bitcoin vẫn tăng giá so với cùng kỳ năm trước cũng như những lời khen ngợi của Tỷ phú Elon Musk cùng một số tổ chức tài chính, tác giả của "Thiên nga đen" vẫn không thay đổi quan điểm. Ông cho biết dù Bitcoin có lên đến 1 triệu USD thì chúng vẫn chỉ là thứ lừa đảo đa cấp.

"Đó là lừa đảo. Bạn có Bitcoin hôm nay thì ngày mai cũng có thể có loại tiền số khác. Những loại tiền số khác nhau xuất hiện rồi biến mất và chẳng có mối liên hệ thực sự nào giữa chúng với nền kinh tế như mọi người ca ngợi đâu", ông Taleb cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia Taleb, nếu người dân muốn chống lạm phát và bảo vệ tài sản thì họ nên đổ tiền vào bất động sản hơn là Bitcoin.

"Nếu muốn bảo vệ tài sản khỏi lạm phát thì tốt hơn là mua một miếng đất. Giả sử bạn có trồng cây ô liu trên đó thì nếu thị trường đổ vỡ, ít ra bạn còn có dầu ô liu", ông Taleb cười nói.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM