Vỡ đập thủy điện ở Lào sẽ làm tăng mực nước lũ ở ĐBSCL

27/07/2018 08:45 AM | Xã hội

“Theo tính toán, 4-5 ngày nữa nước sẽ về đồng bằng sông Cửu Long. Những địa phương chịu tác động là Đồng Tháp, An Giang…”

Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm trên sông Xe kong thuộc tỉnh Attapeu của Lào. Hồ thủy điện có tổng dung tích là 1043 triệu m3, dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành từ 2019.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đánh giá, với điều kiện tự nhiên, như vậy lượng nước xả ra do vỡ đập ở Lào không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng sông Cửu Long.Khoảng cách các nguồn nước xả ra từ hồ do vỡ đập và chủ động xả về đến biên giới Việt Nam là hơn 710km. Do ảnh hưởng của vỡ đập, dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng, dự báo mực nước ảnh hưởng do vỡ đập có thể làm tăng mực nước tại Tân Châu khoảng 7-10cm vào cuối tuần, 27-28/7.

Hiện lũ tự nhiên từ thượng nguồn sông Mê Công đang tăng kết hợp với kỳ triều cường, nếu chưa xét đến vỡ đập thì mực nước lũ trên đồng bằng sẽ tiếp tục tăng đến giữa tháng 8. Dự báo đến giữa tháng 8 mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu sẽ đạt 3,2m.

Song Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: “Tuy vậy, đây là các thông tin hết sức sơ bộ, do thời gian thu thập và xử lý dữ liệu còn rất hạn chế. Vì vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời”.

Thông tin về vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: Ngay sau khi nhận thông tin sự cố ở Lào, các cơ quan đã tính toán đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5-10cm.

“Theo tính toán, 4-5 ngày nữa nước sẽ về đồng bằng sông Cửu Long. Những địa phương chịu tác động là Đồng Tháp, An Giang…Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, hiện nay ở Thái Lan mưa đang lớn, chúng ta cần hết sức chú ý để chủ động ứng phó với mưa lũ sắp tới”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, sự cố cỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thuỷ điện thuỷ lợi trước mùa mưa lũ; tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước.

Sau sự cố vỡ đập ở Lào, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thuỷ điện để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước đó, tối ngày 23/7 đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy  ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào bị vỡ khiến hơn 100 người mất tích, trên 1.300 hộ gia đình mất nhà cửa với 6.600 người bị ảnh hưởng.

Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM