Vợ chồng giáo viên quyết cho con học "TRƯỜNG NHÀ GIÀU": Phải cắt giảm chi tiêu gia đình, mỗi lần con báo đóng tiền là như ngồi trên đống lửa
'Mỗi thứ làm một chút, tích tiểu thành đại mới có tiền đóng học cho con. Chứ làm một nghề thì không trụ được. Hiện tiền học của con gái chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của 2 vợ chồng', chị Nghĩa nói.
Trong xã hội ngày nay, giáo dục là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Gia đình nào cũng cố gắng để con có môi trường học tập tốt. Một vài năm gần đây, trào lưu cho con học trường tư thục, trường quốc tế nở rộ. Nếu như trước đây, nhiều người khá dè dặt khi nói đến nhóm trường này thì giờ cởi mở hơn. Bởi họ nhận ra nhiều trường có chất lượng giáo dục không hề thua kém trường công lập. Thậm chí, một số trường còn có thứ hạng cao trong danh sách các trường top đầu.
Đa số các trường công lập chú trọng trau dồi kiến thức, lịch học kín mít. Ngược lại, nếu học ở trường tư thục hoặc quốc tế, học sinh được rèn luyện thêm kỹ năng mềm. Với những bậc cha mẹ cởi mở, họ cho rằng, ngoài học tập tốt, các kỹ năng này cũng rất quan trọng, góp phần giúp con thành công trong cuộc sống.
Trường ĐH FPT có cơ sở vật chất xịn sò.
Tuy nhiên, học phí của trường tư thục, quốc tế là vấn đề khiến nhiều cha mẹ phải "chùn bước". So với trường công, trường tư thục, quốc tế có học phí cao hơn rất nhiều. Một số trường quốc tế có học phí từ 300-700 triệu đồng/năm. Hay những trường gọi là "rẻ" cũng có mức học phí hơn 100 triệu đồng/năm.
Cũng vì mức học phí đắt đỏ này nên nhiều người thường cho rằng, chỉ ai nhà giàu mới có thể cho con theo học. Thực tế thì ngược lại, các trường tư thục, quốc tế giờ không còn là "sân chơi riêng" của các gia đình giàu có. Nhiều gia đình có kinh tế "thường thường bậc trung" nhưng vẫn cố gắng cho con học ở môi trường lý tưởng.
Vợ chồng cãi nhau nảy lửa trước quyết định con học FPT
Chị Nguyễn Thị Trung Nghĩa, 48 tuổi, quê tại tỉnh Phú Thọ. Hiện chị đang là giáo viên của một trường tiểu học. Chị Nghĩa có 2 cô con gái, con lớn mới ra trường đi làm được 2 năm, con gái út năm nay bước vào đại học. Cô con gái út hiện là sinh viên chuyên ngành Marketing, trường ĐH FPT (Hà Nội).
Chị Nghĩa trải lòng, thời điểm tuyển sinh, con gái chị được điểm đại học tương đối cao nhưng vì chủ quan khi đăng ký nguyện vọng nên về sau không có nhiều sự lựa chọn.
"Trước đây, tôi không quan tâm đến nhóm trường tư, trường quốc tế bởi biết học phí rất cao. Nhưng về sau, vì hoàn cảnh con như thế nên tôi mới bắt đầu nghiên cứu nhóm trường này. Về trường FPT, tôi chỉ biết sơ qua là trường có cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị học tập hiện đại nhưng học phí cao. Tôi phải tìm hiểu ngôi trường này qua nhiều phụ huyng có con từng học. Thấy mọi người dành nhiều lời khen nên tôi yên tâm phần nào", chị Nghĩa cho hay.
Dù điều kiện gia đình chỉ ở mức trung bình nhưng chị Nghĩa vẫn cố gắng cho con học tại FPT.
Càng tìm hiểu kỹ, chị Nghĩa càng quyết tâm cho con vào FPT, sau khi đánh giá qua 4 tiêu chí: Chất lượng đào tạo; Cơ hội việc làm; Cơ sở vật chất; Trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, khi đề xuất cho con học ngôi trường đắt đỏ này với chồng thì ý kiến của chị bị gạt ngay.
Ông xã chị Nghĩa không đồng tình bởi mức học phí "trên trời", một gia đình kinh tế bình thường không thể "với" được. Thậm chí, 2 vợ chồng còn tranh cãi nảy lửa, ai cũng bảo vệ quan điểm của mình.
"Thời gian đầu, 2 vợ chồng không có tiếng nói chung. Mãi về sau tôi mới thuyết phục được ông xã. Bên cạnh học phí cao, tôi chỉ ra cho chồng thấy những lợi ích nếu con học FPT. Anh cũng đi tham khảo ý kiến nhiều người nên về sau ủng hộ hết mình, không còn lăn tăn nữa. Chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng vì tương lai của con gái", chị Nghĩa cho biết.
Năm đầu tiên, chương trình học tập gồm 6 level Tiếng Anh, học phí mỗi level là 10 triệu đồng. Nếu vượt qua từng level sẽ giảm được học phí đáng kể. Vì thế, 2 mẹ con lại bước vào cuộc chiến ôn luyện. Chị Nghĩa mong con thi qua nhiều level để đỡ phần nào tiền học. May mắn con gái thi qua 2 level đầu, số tiền còn phải đóng là 40 triệu đồng, chưa tính các khoản khác. Mỗi lần con báo đóng học phí, vợ chồng chị như ngồi trên đống lửa.
Xoay vần đủ nghề để có tiền cho con đi học trường sang
Hiện tại, con gái chị Nghĩa vẫn đang học online do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, gia đình giảm bớt được một số khoản phí như: Tiền nhà ở, tiền sinh hoạt, chi phí di chuyển,... Sau khi kết thúc năm đầu tiên, con sẽ bắt đầu học chuyên ngành với mức học phí khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Nếu con đến trường học trực tiếp thì còn mất nhiều khoản phí khác. Trung bình, mỗi tháng, cả tiền học và tiền sinh hoạt của con khoảng 12 triệu đồng. Chị Nghĩa chỉ cho con vỏn vẹn 1,5 triệu để tiêu linh tinh, đi chơi với các bạn. Để cô con gái được học ngôi trường xịn sò, chị phải chắt chiu, cắt giảm chi tiêu trong gia đình.
Hơn 20 năm đi dạy cùng với công việc của chồng giúp gia đình có một khoản tích cóp nho nhỏ, giờ là lúc cần dùng tới. "Lương giáo viên tiểu học, lại dạy trường làng nên chẳng được là bao. Chồng tôi làm lái xe tải, công việc bấp bênh lắm, những ngày dịch vừa qua cũng không có việc nên kinh tế gặp nhiều khó khăn, may là có khoản dự phòng", chị Nghĩa tâm sự.
Sáng đi dạy học, chiều về chị Nghĩa tranh thủ bán hàng để có thêm thu nhập.
Sáng đi dạy học, chiều về chị tranh thủ mở cửa hàng bán chăn, ga, gối, nệm để có thêm đồng ra đồng vào. Giờ chị còn bán thêm trên mạng xã hội. Tuy là người không rành về công nghệ nhưng áp lực tài chính quá lớn khiến chị Nghĩa phải mày mò tìm hiểu. "Mỗi thứ làm một chút, tích tiểu thành đại mới có tiền đóng học cho con. Chứ làm một nghề thì không trụ được. Hiện tiền học của con gái chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của 2 vợ chồng", chị Nghĩa nói.
Từ khi con vào "trường con nhà giàu", điều chị sợ nhất là con học lại, thi lại. Học lại, thi lại báo hiệu việc con bị hổng kiến thức, năng lực thua kém các bạn. Ngoài ra, học phí của học lại rất cao. Đây thật sự là cuộc chiến của cả gia đình. Con gái có nhiệm vụ học tập tốt, còn bố mẹ phải "cày cuốc" ngày đêm kiếm tiền.
Tuy cuộc sống phía trước còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng chị Nghĩa luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực. Đối với chị, việc học của con là điều quan trọng nhất, được ưu tiên hàng đầu. Dù có thiếu tiền, có phải đi vay mượn để cho con học, chị Nghĩa cũng sẵn sàng. Chị không ngại nghèo, ngại khổ, chỉ mong con học hành giỏi giang, sau này có công việc tốt.
Ảnh: NVCC