Bà mẹ chạy khắp thành phố để tìm trường học với yêu cầu giáo viên KHÔNG GỌI học sinh là "CON": "Có ai cho con ăn mà lại bắt con trả tiền?"

17/02/2022 14:20 PM | Sống

Chị nói: 'Đặt ra ranh giới, phân rõ ngay từ xưng hô không chỉ là để dạy trẻ em tiếng Việt phong phú và chuẩn mực, mà còn là để bảo vệ trẻ em'.

Dưới đây là câu chuyện của chị Thanh Hằng (mẹ của Nắng Mai, 5 tuổi). Chị có trình độ thạc sĩ, từng là nhà văn, nhà báo, là người có nghiên cứu sâu về văn hóa ngôn ngữ. Chị cũng là người đã đi nhiều nước, từng sinh sống và học tập ở nước ngoài, thành thạo hơn 3 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung Quốc)...

Bà mẹ ròng rã tìm trường học cho con chỉ với yêu cầu: Giáo viên không gọi con mình là "con"

Chị Hằng là người đọc nhiều và quan tâm đến tính chỉn chu của ngôn ngữ và trăn trở với vấn đề giáo dục cho trẻ em. Chính vì thế, chị đã kể câu chuyện của chị về việc tìm trường ròng rã cho con chỉ với mong muốn đơn giản "giáo viên không gọi con mình là con", tuy nhiên, điều này cũng đã từng như mò kim đáy bể.

Chị Hằng kể: "Khi Nắng Mai bắt đầu đi học, tôi bất ngờ rơi vào tình huống giáo viên gọi con tôi là "con" (thời của tôi, người dạy học không xưng hô như thế). Hết kì nghỉ dài vì Covid (hè năm 2020), tôi quyết định đi tìm nơi học mới cho con gái.

Tôi đã đi khắp thành phố, đi hết trường này tới trường kia trong nhiều ngày, đến cả những trường mẫu giáo được quảng cáo là áp dụng các phương pháp giáo dục tôn trọng trẻ em như của Maria Montessori hay Jean Piaget, đi khắp chỉ để tìm một nơi có quy định xưng hô chuẩn mực giữa giáo viên và học sinh. Nhưng không, hầu như tất cả những người tôi gặp đều gọi học sinh là "con", họ giải thích là theo thói quen".

Bà mẹ chạy khắp thành phố để tìm trường học với yêu cầu giáo viên KHÔNG GỌI học sinh là CON: Có ai cho con ăn mà lại bắt con trả tiền? - Ảnh 1.

Nắng Mai, con gái chị Thanh Hằng, ở lớp cô giáo hiện tại gọi Nắng Mai là "bạn Nắng".

Nhưng ngay cả khi nó là thói quen thì không có nghĩa là có thể dùng "thói quen sai" mãi mãi. Các lý do chị Hằng đưa ra dưới đây khá thuyết phục.

6 lý do thầy/cô không được gọi học trò là "con"

1. Gọi "con" trong mối quan hệ thầy và trò là sai Tiếng Việt

Giáo viên gọi học sinh là "con" là sai tiếng Việt. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên), danh từ "con" có các nghĩa chính để gọi: Người thuộc thế hệ sau trong quan hệ với người trực tiếp sinh ra; Cá thể động vật; Đàn bà, con gái với ý không coi trọng hoặc thân mật.

Tất cả những cách dùng sai tiếng Việt đều cần phải loại bỏ khỏi nhà trường, nơi học sinh đến để học tiếng Việt tiêu chuẩn.

2. Từ "con" trong tiếng Việt là 1 từ vô cùng đặc biệt

Không phải chỉ tiếng Việt mới lấy các từ thân tộc để xưng hô với người lạ, không có gì đặc biệt mà ca tụng. Nhưng "con" là một từ đặc biệt. Ngoài cha mẹ gọi "con", giáo chủ hoặc người đứng đầu các cơ sở tôn giáo khắp nơi trên thế giới cũng gọi các tín đồ là "con". Trong tiếng Pháp, "garcon" (con trai) trước kia được dùng để gọi người hầu bàn hay giúp việc vặt, ngày nay không còn ai dám gọi như trên nữa. Khi gọi "con", người ta đặt mình ở một địa vị rất cao, cao nhất so với phía kia.

Tôi không có can đảm gọi người lạ là "con". Đó là một sinh mệnh được hình thành sau chín tháng mười ngày, được bú mớm ẵm bồng nuôi dạy lớn khôn, và tôi không góp phần nào trong muôn vàn khó nhọc đó - tôi không dám và không thể cướp công lao ấy.

3. Đối tác, khách hàng của mình không thể gọi là con - Có ai cho con ăn mà bắt con trả tiền không?

Vậy mà các giáo viên – những người đi làm nhận lương - dám gọi đối tác trong công việc của mình, khách hàng của mình, là "con". Nếu phụ huynh kì vọng giáo viên chỉ nhờ xưng hô như thế mà coi học sinh như "con", đó là một kì vọng không khi nào đạt được: Có ai cho "con" ăn mà lại bắt "con" trả tiền không? Còn nếu không, khi cả hai bên đều biết điều đó không thể đạt được mà vẫn cứ bình thản che đậy qua cách xưng hô không đúng, thì một phía là dối trá còn phía kia là đạo đức giả.

Bà mẹ chạy khắp thành phố để tìm trường học với yêu cầu giáo viên KHÔNG GỌI học sinh là CON: Có ai cho con ăn mà lại bắt con trả tiền? - Ảnh 2.

Bà mẹ này nói rằng: "Tất cả những cách dùng sai tiếng Việt đều cần phải loại bỏ khỏi nhà trường, nơi học sinh đến để học tiếng Việt tiêu chuẩn".

Thêm nữa, phụ huynh có thể tự đặt câu hỏi xem giữa cha mẹ mình và người bán hàng cho mình, ai tôn trọng mình hơn, ai đáp ứng được nhu cầu của mình hơn – có chắc là cha mẹ không? Ngược lại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 8/12/2021 thì có tới hơn 70% trẻ từ 1 - 14 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực và tôi dám chắc đây không phải tỉ lệ khách hàng bị người bán đánh đập.

4. Nếu không phải cha mẹ mà gọi ai đó là "con" tức là "mạo danh"

Biết mình không phải cha mẹ nhưng lại gọi phía kia là "con", đó là mạo danh. Nếu tất cả những người lớn đều nhất loạt gọi trẻ em là "con", khác biệt giữa cha mẹ và người lạ vô tình bị lu mờ. Có logic không khi cha mẹ để bất kì ai cũng có thể gọi con mình là "con" nhưng rồi lại bắt các em phải chia ra đây là cha mẹ mình để tin tưởng còn kia là người lạ để không được nhận đồ ăn, không được đi chơi cùng, không được cho chạm vào người?

Đặt ra ranh giới, phân rõ ngay từ xưng hô không chỉ là để dạy trẻ em tiếng Việt phong phú và chuẩn mực, mà còn là để bảo vệ trẻ em.

5. Suồng sã, xuề xòa là trạng thái thoái hóa của ngôn ngữ

Một số ngôn ngữ có đại từ nhân xưng trung hòa/bình đẳng, một số thì không. Nhưng các ngôn ngữ thường đi theo hướng ngày càng trau chuốt hơn, lịch thiệp và bình đẳng hơn. Tương tự như "garcon" (đã nói ở trên), trong tiếng Trung người ta không còn dùng "sư phụ" để gọi người lao động chân tay (lái xe, cửu vạn…), hay trong tiếng Anh không còn dùng "maid" để gọi người giúp việc nhà, đó là để tránh kì thị nghề nghiệp. Để tránh kì thị tuổi tác, từ "Quý cô"/"Quý ông" đã được sử dụng phổ biến để gọi trẻ em lạ (khi chưa đủ thân thiết để gọi tên hoặc đơn giản là không biết tên).

Không trau chuốt và lịch thiệp hơn mà lại suồng sã, xuề xòa đi, đó là trạng thái thoái hóa rất bất ngờ đã diễn ra trong chính ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta – tiếng Việt.

6. Các đối tác cần được sự bình đẳng để tránh bị bắt nạt

Đi học, tức là em bé dù mới chỉ sơ sinh hôm nào nhưng nay đã lớn khôn, đủ để tham gia một hoạt động chính quy của xã hội. Các đối tác trong hoạt động ấy là bình đẳng (học sinh nhận kiến thức, giáo viên nhận lương) và cần được bình đẳng ngay từ cách xưng hô, không thể có một phía luôn bị bắt nạt ngay từ những bước chân chính thức đầu tiên với xã hội ấy.

Bà mẹ chạy khắp thành phố để tìm trường học với yêu cầu giáo viên KHÔNG GỌI học sinh là CON: Có ai cho con ăn mà lại bắt con trả tiền? - Ảnh 3.

Chị Thanh Hằng cho rằng: "Đặt ra ranh giới, phân rõ ngay từ xưng hô không chỉ là để dạy trẻ em tiếng Việt phong phú và chuẩn mực, mà còn là để bảo vệ trẻ em".

Chị Thanh Hằng cho rằng chuyện xưng hô trong nhà trường là chủ đề ngôn ngữ lớn đã được rất nhiều nhà ngôn ngữ học kêu cứu trong rất nhiều năm nay. Nhưng hiện trạng đi lùi của tiếng Việt giờ lại còn tệ hơn. Nhiều năm trước, Giáo sư Cao Xuân Hạo (và các đồng nghiệp) đã coi việc giáo viên gọi học sinh/sinh viên là "em" là một tệ nạn của xã hội: "Dù sao cũng không thể nào chấp nhận được thái độ kẻ cả của một người tự cho mình cái quyền gọi một công dân là em hay là cháu chỉ vì mình hơn người ta mười mấy tuổi…

Cách xưng hô này không thể không đi đôi với một quan hệ bất bình đẳng và một thái độ bắt nạt có thể bị lạm dụng trong nhà trường, nơi lẽ ra có nhiệm vụ giáo dục ý thức công dân cho các thế hệ sau". Chị Hằng nhấn mạnh: "Mấy chục năm sau, nếu ông còn sống hẳn sẽ còn kinh ngạc hơn nhiều vì từ “em” nay đã được chuyển thành từ “con”! Hiện nay những tranh cãi xung quanh chuyện có nên gọi học trò là con không dường như không bao giờ kết thúc. Nhưng theo tôi đó là điều không cần thiết. Muốn nói đúng hãy cứ theo từ điển".

- Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lại Nguyên Ân trước đó trên Infonet đã từng phản đối cách giáo viên gọi học trò là "con" và cho đây là một bước lùi trong phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Ông cũng nói: "Nếu trẻ em Việt lớn lên ở môi trường Anh ngữ, Pháp ngữ ..v.v… họ sẽ sớm phải tự xưng là "tôi" chứ không có từ "con, em, cháu" cho môi trường ngôn ngữ ấy". Theo ông Nguyên Ân, cách gọi "con", "các con" như thế chỉ gia cố quan hệ gia đình cho các không gian xã hội chứ không kích thích phát triển các quan hệ xã hội rộng hơn gia đình.

- PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - (trên Infonet) cũng chỉ ra những cặp xưng hô đang tồn tại trong nhà trường hiện nay: Thầy/Cô - Cháu; Thầy/Cô - Em; Thầy/Cô - Con; Thầy/Cô - Anh/Chị. Trong số những cặp xưng hô này thì cặp xưng hô Thầy/Cô - Con chưa tạo sự thoải mái trong giao tiếp. "Trong tiếng Việt, ta chỉ xưng "con" với người nào đó sinh ra mình, thường là bố mẹ, ông bà thân tình lắm mới gọi cháu là "con".


Theo ĐX

Cùng chuyên mục
XEM