Vì sao VinFast, Tiki lấy Singapore làm bệ phóng để niêm yết tại TTCK Mỹ?

10/02/2023 08:36 AM | Kinh doanh

Sự phát triển của thị trường tài chính Singapore đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới giúp cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực chạm đến giấc mơ niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng hơn.

Vì sao VinFast, Tiki lấy Singapore làm bệ phóng để niêm yết tại TTCK Mỹ? - Ảnh 1.

VinFast có thể sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết tại Mỹ vào quý 2 năm nay, theo nguồn tin của Bloomberg. Công ty đã nộp bản cáo bạch sơ bộ lên Uỷ ban chứng khoán Mỹ. Dù có phần chậm so với kế hoạch ban đầu, nhưng lịch sử cho thấy, việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường Mỹ là chuyện không dễ dàng với một công ty Việt Nam.

Tuy nhiên, đơn vị nộp hồ sơ IPO lên Uỷ ban chứng khoán Mỹ là “VinFast Trading & Investment”. Cuối năm 2021, tập đoàn Vingroup đã chuyển toàn bộ cổ phần VinFast Việt Nam sang cho công ty con có trụ sở tại Singapore. Đây là hành động kỹ thuật, giúp VinFast có thể niêm yết được cổ phiếu tại Mỹ, vì đã có sự liên thông pháp lý với quốc đảo này.

Thực tế, Singapore được chọn làm “bệ phóng” cho nhiều công ty khu vực. Có thể lấy một ví dụ khá tương đồng với VinFast là Grab Holdings. Anthony Tan, sáng lập “siêu ứng dụng” Grab, là con trai của nhà sản xuất ô tô nổi tiếng Malaysia – ông Tan Heng Chew. Nhưng thành công của Grab lại được biết đến dưới tư cách là doanh nghiệp Singapore nhiều hơn, bởi câu chuyện vươn tầm thế giới không chỉ ở hoạt động kinh doanh mà còn ở khả năng huy động vốn. Cách đây hơn hai năm, Grab Holdings đã hợp nhất thành công với SPAC – Altimeter Growth, thương vụ huy động 4,5 tỷ USD, là đợt niêm yết công khai lớn nhất trong lịch sử của một công ty Đông Nam Á tại Mỹ.

Singapore xếp thứ ba về chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2022, chỉ sau New York và London. Quốc gia này còn vượt qua Hong Kong để giành lấy vị thế số một khu vực châu Á.

Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của thị trường tài chính Singapore giúp cho ngày càng nhiều công ty tại đây đủ sức tham gia sân chơi Mỹ. Năm 2017, SEA (công ty mẹ của Shopee, Garena và SeaMoney) tiến hành IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán New York (NYSE) với mức giá khởi điểm 15 USD/cổ phiếu. Tháng 11/2021, SEA đạt mức giá kỷ lục gần 358 USD, đồng thời trở thành công ty lớn nhất Singapore về giá trị thị trường. Trong giai đoạn đỉnh cao, công ty Đông Nam Á gây sốt trên thị trường chứng khoán Mỹ vì tốc độ tăng trưởng hàng chục lần. Mặc dù vậy, cho đến nay cổ phiếu SEA đã giảm hơn 80% từ mức đỉnh lịch sử.

Hay như một cái tên đáng chú ý khác là PropertyGuru, nền tảng mua bán và cho thuê bất động sản hàng đầu Singapore. Cũng giống như Grab, PropertyGuru niêm yết trên sàn NYSE thông qua SPAC, huy động hơn 250 triệu USD.

Những ví dụ về các công ty Singapore thành công khi niêm yết chứng khoán tại Mỹ tạo thêm nhiều cơ sở để những doanh nghiệp khác trong khu vực có thể tin vào. Bên cạnh VinFast, sàn thương mại điện tử Tiki của Việt Nam cũng có ý tưởng IPO quốc tế và đã thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore. Cả VinFast và Tiki có thể từng xem xét SPAC là một phương án, con đường tắt giúp việc IPO Mỹ nhanh chóng hơn. Nhưng khi các điều kiện pháp lý siết chặt, SPAC cũng trở nên khó khăn hơn.

VNG đứng sau ứng dụng nhắn tin Zalo và ví điện tử ZaloPay nhắm mục tiêu niêm yết tại một trong những thị trường tài chính hàng đầu thế giới, có thể là Mỹ. Nhưng trong cuộc phỏng vấn gần nhất với Bloomberg vào cuối năm ngoái, chủ tịch Lê Hồng Minh không trực tiếp xác nhận điều này.

Đầu năm nay, VNG bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM. Cổ phiếu công ty gần đây tăng trần 6 phiên liên tục nhưng với khối lượng giao dịch chỉ 100 đơn vị mỗi phiên. Dù vậy, giao dịch UPCoM chỉ được xem như động thái nhằm đáp ứng quy định pháp lý tại Việt Nam khi VNG là công ty đại chúng.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore vẫn đang hướng ánh mắt tới việc hợp nhất với SPAC tại Mỹ như một xu thế, theo dữ liệu từ Refinitiv. Năm ngoái, ít nhất 8 công ty Singapore công bố kế hoạch hợp nhất với SPAC niêm yết trên sàn Nasdaq hoặc NYSE. Định giá ở Mỹ thường cao hơn châu Á, và thị trường này cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới phân tích cũng như các nhà đầu tư tổ chức. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, “thời kỳ vàng” cho các thương vụ IPO và sáp nhập SPAC - chủ yếu trong nửa đầu năm 2021 – đã trôi qua.

Vì sao VinFast, Tiki lấy Singapore làm bệ phóng để niêm yết tại TTCK Mỹ? - Ảnh 2.

Nguồn: Financial Times

Bất ổn địa chính trị và việc thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát hiện nay là một tin xấu đối với các thương vụ SPAC. Trong những thời điểm như vậy, nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng né tránh các thương vụ rủi ro cao. Cả VinFast, Tiki hay VNG dù hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đều đang đối mặt với câu chuyện thua lỗ liên tục nhằm đạt được các mục tiêu của riêng mình. Nhưng cánh cửa bay sang Mỹ nhờ bệ phóng Singapore dù có hẹp vẫn đang đem đến nhiều hy vọng.

Theo Bạch Mộc

Cùng chuyên mục
XEM