Vinatex dự tính cho 50.000 công nhân tạm nghỉ việc, có thể mất 1.000 tỷ đồng ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 5
Nếu hoạt động kinh tế bị hạn chế lâu hơn, nhiều khả năng một số nhà máy vừa và nhỏ của Vinatex sẽ phải ngừng hoạt động.
Ngành dệt may của Việt Nam đang gặp phải không ít khó khăn do giảm đơn hàng đột ngột và điều này có thể trở thành cú sốc với các nhà sản xuất hàng may mặc, trong đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) dự tính sẽ cho tới 50.000 công nhân nghỉ việc tạm thời.
Nếu tác động của đại dịch Covid-19 còn tiếp tục trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp có khả năng rơi vào cảnh phá sản và đe dọa không chỉ nền kinh tế của Việt Nam mà cả chuỗi cung ứng toàn cầu vốn tạo điều kiện phát triển cho các hãng thời trang nhanh như Zara hay H&M.
Tổng giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường, cho biết: "Khi mọi thứ đình trệ, 30% đến 50% công việc sẽ mất đi vào tháng 5". Hiện Vinatex có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân.
Tác động của dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu vào tháng 2, khiến việc thu mua vải bị đình trệ. Và khi mọi thứ trở lại bình thường hơn vào tháng 3, làn sóng thứ hai đã giáng một đòn mạnh và ngành công nghiệp dệt may.
Nhu cầu may mặc ở Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh do người tiêu dùng phải ở nhà để ngăn chặn bùng phát dịch. Vì vậy, các nhà cung cấp đã hủy đơn đặt hàng cũ và tạm dừng đơn hàng mới.
Tại Việt Nam, nhiều thành phố như Hà Nội đã cấm đi lại khi không cần thiết. Tuy nhà máy được phép mở cửa nhưng đơn hàng đều đã bị tạm ngừng hoặc hủy. Một số nơi chuyển sang sản xuất khẩu trang để bù đắp cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam, đơn hàng dệt may và giày dép có thể giảm khoảng 70% giá trị trong tháng 4 và tháng 5. Vinatex sẽ mất 1.000 tỷ đồng (khoảng 42,4 triệu USD) ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 5. Con số này gần gấp đôi lợi nhuận ròng của Vinatex (510 tỷ đồng) trong năm ngoái. Nếu hoạt động kinh tế bị hạn chế lâu hơn, nhiều khả năng một số nhà máy vừa và nhỏ của Vinatex sẽ phải ngừng hoạt động.
Một tỷ lệ lớn công nhân may mặc đang làm việc với mức lương tối thiểu. Ở những vùng có chi phí lao động rẻ nhất, mức lương này rơi vào khoảng 3 triệu đồng/tháng. Lo ngại tình trạng mất việc làm trên diện rộng có thể dẫn đến bất ổn xã hội, chính phủ Việt Nam đang triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng gói an sinh xã hội này.
Việc đóng cửa các nhà máy may mặc của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Những công ty như Zara, H&M và Uniqlo sẽ gặp khó khăn trong việc thu mua hàng. Như vậy, có thể nói may mặc châu Á đóng vai trò không thể thiếu của toàn ngành vốn đã tăng tốc toàn cầu hóa khá nhanh trong thập kỷ qua.
Đại diện ngành dệt may từ sáu quốc gia châu Á đã ra tuyên bố chung ngày 9/4 vừa qua, kêu gọi các thương hiệu thời trang bồi thường đầy đủ cho nhà cung cấp khi hủy đơn hàng. Những khách hàng bao gồm H&M đang giữ hợp đồng mua của họ đối với sản phẩm đã đến giai đoạn sản xuất, trong khi một số công ty khác yêu cầu gia hạn thanh toán cho các đơn đặt hàng đã hoàn tất.
Trong ngành công nghiệp điện tử, người mua thường trả tiền trước cho nhà cung cấp đang gặp khó khăn để hỗ trợ dòng tiền. Và cuộc khủng hoảng do Covid-19 sẽ là dịp để các bên hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực may mặc và nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng khác.