Trước khi tính lập hãng bay chở hàng, nhiều công ty trong "hệ sinh thái" của Vietnam Airlines đã kiếm lợi lớn từ vận tải hàng và logistics

14/07/2021 15:59 PM | Kinh doanh

Với những nguồn lực sẵn có, việc lập hãng bay chuyên chở hàng hóa của Vietnam Airlines trở nên khá thuận lợi, đồng thời được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm nguồn thu cho hãng.

Tại ĐHCĐ được tổ chức ngày 14/7/2021, ngoài việc công bố các kết quả kinh doanh, Vietnam Airlines còn tiết lộ kế hoạch lập hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay sau dịch bệnh. 

Thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam vốn là miếng bánh béo bở nhưng hiện đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, không khó hiểu khi cả Vietnam Airlines và doanh nghiệp của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn lại vội vã muốn tham gia sâu hơn vào mảng này. 

Chỉ mới một tháng trước đó, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề nghị xin lập hãng hàng không IPP Air Cargo, chuyên hoạt động trong mảng vận tải hàng hóa hàng không trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị này mới đây đã bị Cục Hàng "lắc đầu" từ chối, với kết luận: chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới đến khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).

Trở lại với Vietnam Airlines, trong năm qua, hãng đã triển khai hình thức vận chuyển hàng hoá trên cabin, sau đó tháo ghế các tàu bay để tăng công suất vận chuyển. Hiện Vietnam Airlines đã tháo ghế tổng cộng 7 tàu bay, là một trong những hãng bay đầu tiên đẩy mạnh khâu vận chuyển hàng hoá. Doanh thu hàng hoá của Vietnam Airlines cũng đang chiếm tỷ trọng lớn. 

Khi chưa có Covid-19, thông thường doanh thu hàng hoá chỉ chiếm 10% so với doanh thu hành khách. Tháng 6 vừa qua, doanh thu hàng hóa đã vượt doanh thu hành khách. Tính cả năm 2020, Vietnam Airlines đã vận chuyển được gần 200.000 tấn hàng hoá với doanh thu trên 5.000 tỷ đồng.

Trước khi tính lập hãng bay chở hàng, nhiều công ty trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines đã kiếm lợi lớn từ vận tải hàng và logistics - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, trước khi quyết định lập hãng hàng không chuyên chở hàng, Vietnam Airlines Group đã có các doanh nghiệp khác đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và cũng thu về kết quả kinh doanh tích cực, đặt trong bối cảnh doanh thu lợi nhuận từ lĩnh vực vận tải hành khách sụt giảm mạnh do Covid.

Thứ nhất, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo - NCTS) hoạt động trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp. Vietnam Airlines sở hữu 55,13% cổ phần tại đây.

Trong năm 2020, công ty này thu về 697 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 257 tỷ đồng, ROE ở ngưỡng 79%. So với năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của NCTS chỉ giảm nhẹ, lần lượt là 4% và 7%.

Quý 1/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt 166 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 64 tỷ đồng (giảm 2,5% so với cùng kỳ).

Thứ hai, Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), chuyên cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa cho các chuyến bay quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, Vietnam Airlines nắm 55% cổ phần.

Các chuyến bay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên tình hình kinh doanh của TCS cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng, ROE đạt 498%. Sang đến năm 2020, doanh thu giảm xuống còn 861 tỷ đồng, lợi nhuận cũng giảm nhẹ còn 538 tỷ đồng, ROE đạt 459%.

Trước khi tính lập hãng bay chở hàng, nhiều công ty trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines đã kiếm lợi lớn từ vận tải hàng và logistics - Ảnh 2.

Thứ ba, Công ty TNHH Dịch vụ Giao Nhận Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TECS Express) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác xử lý hàng hóa, chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, kho bãi, khai thuê hải quan, logistic. Vietnam Airlines đang nắm 51% cổ phần tại đây.

Năm 2020, TECS ghi nhận doanh thu 307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, ROE đạt 177%. Trước đó năm 2019, những hạng mục này lần lượt là 310,5 tỷ đồng, 97,2 tỷ đồng và 146%.

Thứ tư, Công ty TNHH Giao nhận Hàng hóa Vinako, chuyên hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa truyền thống trên các chuyến bay thương mại. Vietnam Airlines nắm quyền chi phối tại đây, với 65% cổ phần.

Doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng lớn do các đường bay quốc tế bị đóng. Tuy nhiên, Vinako sau đó đã tham gia hình thức thuê chuyến bay của Vietnam Airlines, đồng thời tham gia giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng cứu trợ, thiết bị bảo hộ y tế,... sang thị trường Nhật Bản.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Vinako ở mức 33 tỷ đồng (tăng 170% so với 2019), ROE đạt gần 298%.

Với những nguồn lực sẵn có như trên, việc lập hãng bay chuyên chở hàng hóa của Vietnam Airlines trở nên khá thuận lợi, đồng thời được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm nguồn thu cho hãng.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM