Ngay sau thông tin Cục Hàng không chưa chấp thuận IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu”, Vietnam Airlines đã chuẩn bị lập hãng hàng không vận tải ngay sau dịch
Hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Bởi vậy, đây vẫn là thị trường tiềm năng cho các hãng bay trong nước, và cả những tay chơi mới muốn tham gia như IPP của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Cách đây hơn 1 tháng, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo hướng đến mảng vận tải hàng hóa hàng không, hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên mới đây, Cục Hàng không VN đã thông tin và đề nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại công văn số 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.
Cục Hàng không cho rằng, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa, cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, tránh gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ của Vietnam Airlines diễn ra vào sáng 14/7/2021, đơn vị này cho biết có kế hoạch lập hãng hàng không chở hàng ngay sau dịch bệnh. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines – ông Lê Hồng Hà, trong năm qua, Vietnam Airlines đã triển khai hình thức vận chuyển hàng hoá trên cabin, sau đó tháo ghế các tàu bay để tăng công suất vận chuyển.
Hiện Vietnam Airlines đã tháo ghế tổng cộng 7 tàu bay, là một trong những hãng bay đầu tiên đẩy mạnh khâu vận chuyển hàng hoá. Doanh thu hàng hoá của Vietnam Airlines đang chiếm tỷ trọng lớn. Khi chưa có Covid-19, thông thường doanh thu hàng hoá chỉ chiếm 10% so với doanh thu hành khách.
Tháng 6 vừa qua, doanh thu hàng hóa đã vượt doanh thu hành khách. Nguyên nhân cũng đến từ việc doanh thu hành khách thấp và Vietnam Airlines tăng năng lực vận chuyển hàng hoá.
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết đã nghiên cứu freighter (vận tải hàng hoá) từ khá lâu, nhưng thực tế để hiệu quả phải đảm bảo được quy mô, khai thác các nguồn hàng và chân hàng từ các nước đến Việt Nam, và ngược lại. Trong những năm trước, việc tổ chức freighter của Vietnam Airlines chưa hiệu quả, nhưng dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy mạnh khối hàng hóa của hãng. Do đó, việc xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay sau dịch bệnh.
Từ lâu, vận tải hàng hóa hàng không đã là lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của các doanh nghiệp logistics xuyên biên giới, bao gồm FedEx và một số hãng hàng không có trụ sở tại các sân bay trung tâm hàng không trọng điểm. Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các tuyến vận tải hành khách bị đình trệ trên diện rộng, nhiều hãng đã nhanh chóng tập trung khai thác bụng máy bay hành khách với mục đích vận chuyển hàng hóa.
Năm ngoái, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 75% so với năm trước. Trong quý 4/2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%. Cũng trong năm 2020, Vietnam Airlines đã vận chuyển được gần 200.000 tấn hàng hoá với doanh thu trên 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Bởi vậy, đây vẫn là thị trường tiềm năng cho các hãng bay trong nước, và cả những tay chơi mới muốn tham gia như IPP của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.