Vietjet Air của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang "bay" rất nhanh, sắp vượt mặt Vietnam Airlines ngay trong năm nay

01/03/2017 14:11 PM | Kinh doanh

Thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, chỉ sau 5 năm, thị phần Vietjet Air đã vươn lên 41%, ngang ngửa thị phần 42% của Vietnam Airlines.

Quá trình phát triển của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air gắn chặt với tên tuổi của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo. Dưới sự điều hành của bà Thảo, Vietjet Air những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ, đe doạ thị phần nội địa của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Cả doanh thu lẫn thị phần của Vietjet đều tăng trưởng vượt bậc, kể từ khi công ty thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2012-2015 lên tới 151%/năm.

Tính đến cuối năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines độc bá các đường bay nội địa, chiếm gần 70% thị phần. Tuy nhiên, liên tục các năm sau đó, Vietjet Air với chiến lược đúng hướng đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt 37,1% vào năm 2015 trong khi Vietnam Airlines giảm xuống chỉ còn dưới 47%.

Theo bản cáo bạch của Vietjet Air, tính đến cuối năm 2016, thị phần 2 hãng hàng không đã gần như ngang nhau, một bên 42% và bên kia là 41%. Với tốc độ này, rất có thể Vietjet Air sẽ vượt mặt Vietnam Airlines ngay trong năm 2017.


Số liệu: Tổng hợp

Số liệu: Tổng hợp

Không chỉ so kè trên bầu trời, Vietnam Airlines và Vietjet Air con sát bước nhau trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng 1 năm nay, Vietnam Airlines niêm yết cổ phiếu với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá khi đó là 48.000 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 2, Vietjet Air không chịu thua kém khi cũng đưa cổ phiếu lên sàn với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 108.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 3 lần so với thị giá của Vietnam Airlines. Tính tại thời điểm Vietjet lên sàn, vốn hoá hãng hàng không giá rẻ này là 32.400 tỷ đồng còn Vietnam Airlines đã giảm xuống còn gần 43.000 tỷ đồng.

Theo quan sát, nhu cầu sở hữu cổ phiếu Vietjet Air đối với nhà đầu tư khá lớn, vì thế, rất có thể giá trị vốn hoá của Vietjet Air cũng sẽ vượt Vietnam Airlines, như cách mà thị phần hàng không sắp vượt.

Năm 2016, Vietjet Air đạt hơn 27.500 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 2.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm 2017, hãng hàng không này đặt mục tiêu doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng và sẽ tăng tiếp lên trên 48.000 tỷ năm 2018.

Trong báo cáo triển vọng năm 2016, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.


Nguồn: Vietjet Air

Nguồn: Vietjet Air

Vietjet Air lên sàn đã đưa CEO Nguyễn Thị Phương Thảo lọt top người giàu trên sàn chứng khoán với tổng tài sản ước tính hơn 10 nghìn tỷ. Đồng thời, bà Thảo trở thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán, vượt qua bà Phạm Thu Hương của Tập đoàn Vingroup.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, bà du học và có bằng cử nhân Tài chính tín dụng và bằng tiến sỹ Điều khiển học Kinh tế ở Nga.

Bà hiện là Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air. Đồng thời, bà còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Hướng Dương Sunny, thành viên Hội đồng quản trị Dầu khí Đông Đô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Holdings và Phó Chủ tịch Ngân hàng HDBank.

Nếu tính cả giá trị cổ phần tại HDBank, Sovico Holdings và các dự án bất động sản, chuỗi nghỉ dưỡng, nữ doanh nhân này có thể lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Bà từng có mặt trong "Danh sách phụ nữ quyền lực châu Á 2016" của Forbes và mới đây lọt vào danh sách "50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017".

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM