Việt Nam thuộc top các nước châu Á hưởng lợi từ làn sóng thuê ngoài của nền kinh tế chia sẻ với sự góp mặt của Grab, Airbnb...

17/06/2019 08:48 AM | Kinh doanh

Tổ chức khoa học quốc gia Australia (Data61|SCIRO) cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam: hướng đến năm 2030, 2045. Báo cáo cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức trên con đường số hoá nền kinh tế.

Theo báo cáo, các hoạt động kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng số đang "tái cấu trúc lại thị trường lao động, thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng". Ước tính, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu tạo ra 10.000 tỉ USD lợi nhuận cho doanh nghiệp và xã hội tới năm 2025.

Các mô hình kinh doanh chia sẻ với những tên tuổi hàng đầu ở lĩnh vực thương mại điện tử (Amazon, Alibaba, eBay), giao thông (Grab, Uber), tiện ích phòng ở (Airbnb, HomeAway, TravelMob), hoặc dịch vụ lao động (Freelancer, UpWork, Triip.me) đang bắt đầu thịnh hành ở khu vực châu Á.

Nền kinh tế chia sẻ không chỉ làm gia tăng các công việc thuê ngoài, mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho nhiều nước châu Á đang phát triển, cụ thể là các ngành phát triển phần mềm, sáng tạo truyền thông...

Trong xu hướng đó, Việt Nam cùng với Indonesia, Trung Quốc, Malaysia là những nước thuộc top các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. 

Ở Việt Nam, giai đoạn 1988 - 2018 chứng kiến tỉ lệ ngành dịch vụ trong GDP gia tăng mạnh mẽ từ 29,7% lên 40,9%. Điều này càng ngày càng tạo ra thuận lợi cho người dân tham gia vào nền kinh tế sẻ chia, nhất là những người làm trong ngành công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, các startup Việt Nam tăng trưởng rất nhanh vào khoảng thời gian nói trên. Từ con số 400 startup năm 2012 tăng lên đến 3000 startup vào năm 2017.

Báo cáo cho thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam khá tự tin với tình hình kinh tế đất nước. Có 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhận định khả quan về xu hướng tăng trưởng, tỉ lệ này cao hơn 20% so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức liên quan đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đối với Việt Nam.

Theo dự báo, Việt Nam có thể thiếu 500.000 lao động bậc cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến năm 2020. Bên cạnh đó, mặc dù môi trường giáo dục được cải thiện nhưng chính sách dành cho giáo dục ĐH chưa được chú trọng.

Để giải quyết các vấn đề đặt ra của nền kinh tế số, các chuyên gia khuyến nghị khu vực giáo dục ĐH nên hướng đến giải pháp học tập thông qua các khoá học trực tuyến mở.

Mô hình này tạo ra cơ hội hợp tác với các công ty đào tạo và các trường ĐH quốc tế, giúp cho lực lượng lao động tương lai của Việt Nam bổ sung thêm những kỹ năng mới với chi phí tối thiểu.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM