Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về bán hàng qua Facebook, Line đang bùng nổ

11/05/2021 20:03 PM | Kinh doanh

Thương mại điện tử trên mạng xã hội ngày càng phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tới gần 70% thị trường thương mại điện tử Việt Nam...

Samantha Proyrungtong, chủ sở hữu một cửa hàng thực phẩm ở trung tâm Bangkok, Thái Lan, có 3 chiếc điện thoại và một laptop. Hàng ngày, cô luôn dán mắt vào ứng dụng mạng xã hội Facebook và Line - ứng dụng của Tập đoàn Line Corp (Nhật Bản).

Proyrungtong dùng các ứng dụng này không phải để cập nhật tin tức hay liên lạc với người thân, bạn bè, mà để nhận đơn hàng cho cửa hàng thực phẩm Vivin Grocery của mình. Hiện tại, Vivin Grocery chủ yếu bán phô mai dê, mứt và rau hữu cơ qua các mạng xã hội trên.

Trên khắp Đông Nam Á, sở thích tương tác trực tiếp với các cửa hàng trên mạng của người tiêu dùng đã thổi bùng cơn sốt mua sắm qua mạng xã hội.

Không giống như tại Mỹ hay Trung Quốc, nơi hầu hết người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến của các công ty như Amazon hay Alibaba, tại Thái Lan, gần một nửa hoạt động thương mại điện tử diễn ra qua các mạng xã hội hoặc các phòng trò chuyện trên ứng dụng Facebook, WhatsApp hoặc Line.

VIỆT NAM DẪN ĐẦU ĐÔNG NAM Á VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ QUA MẠNG XÃ HỘI

Theo báo cáo của Bain & Co., bán hàng trên mạng xã hội chiếm khoảng 44% trong tổng doanh thu 109 tỷ USD của thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á năm 2020.

Khách hàng có thể trò chuyện trực tiếp với nhân viên bán hàng hoặc chính chủ cửa hàng về giá cả và sản phẩm. Các mối quan hệ xã hội được xây dựng qua những cuộc trò chuyện cá nhân là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phổ biến của thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Đông Nam Á.

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về bán hàng qua Facebook, Line đang bùng nổ - Ảnh 1.

Nguồn: Bain & Co/Bloomberg

Theo báo cáo của Bain & Co., Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với hoạt động thương mại điện tử qua xã hội chiếm 65% tổng giá trị 22 tỷ USD của thị trường thương mại điện tử năm 2020, tăng mạnh so với chỉ 4,2 tỷ USD năm 2018.

Trong khi đó, doanh thu từ bán hàng qua mạng xã hội của Thái Lan cũng tăng từ 3 tỷ USD năm 2018 lên 11 tỷ USD năm 2020, chiếm 50% tổng giá trị thị trường thương mại điện tử. Tỷ trọng này là 38% ở Philippines, 30% ở Malaysia,và 25% ở Indonesia.

Hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội diễn ra dưới nhiều hình thức, từ các nền tảng mua hàng theo nhóm, mạng xã hội có tích hợp tính năng bán hàng cho tới những người bán hàng nhỏ lẻ giao tiếp trực tiếp với khách hàng qua tính năng trò truyện, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm.

Một buổi chiều gần đây, Proyrungtong nhận được tin nhắn từ một khách hàng qua tài khoản mạng xã hội của cửa hàng để hỏi về bánh sandwich. Proyrungtong nhanh chóng phản hồi khách hàng để xác nhận đơn hàng, nhận chuyển khoản qua ngân hàng và sắp xếp thời gian giao hàng cho khách, tất cả đều qua tin nhắn.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Chanel và Louis Vuitton cũng như nhiều hãng bán lẻ nổi tiếng của Thái Lan đăng ký tài khoản qua Line - nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại nước này.

Theo Norasit Sitivechvichit, Giám đốc thương mại của Line tại Thái Lan, số lượng tài khoản chính thức của các nhãn hàng trên nền tảng Line đã tăng 25% trong năm 2020. Trên Line, người bán hàng phải trả phí theo hoạt động trên công cụ trò chuyện và số lượng người theo dõi.

"Thương mại qua các ứng dụng trò chuyện đang bùng nổ mạnh mẽ. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả các thương hiệu lớn của Thái Lan lẫn toàn cầu đang bắt đầu bán hàng trên Line", ông Sitivechvichit cho biết.

THÁCH THỨC VỚI CÁC NHÀ QUẢN LÝ

Tuy nhiên, không giống các nền tảng thương mại điện tử lớn, các ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội không được thiết kế để bán hàng và không có hệ thống thanh toán kèm theo. Do đó, khách hàng phải dùng các phương thức thanh toán bên ngoài như chuyển khoản nhân hàng hoặc qua các ví điện tử.

Bên cạnh đó, theo đại diện người phát ngôn của Sở Thuế vụ Thái Lan, sự phổ biến của hoạt động mua bán qua xã hội gây ra thách thức lớn cho các cơ quan quản lý.

Những đơn vị bán hàng nhỏ lẻ hoặc cá nhân bán hàng qua mạng xã hội có thể đưa ra mức giá rẻ hơn thị trường vì không phải trả thuế. Do đó, các cơ quan chức năng không dễ kiểm soát được giá trị hàng hóa được để thu thuế.

Trong khi đó, những người bán hàng như Proyrungtong chỉ mong thương mại điện tử qua mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến.

“Giờ đây ai cũng có mạng xã hội, cho nên việc tham gia mạng xã hội là vô cùng cần thiết. Mạng xã hội đã trở thành một phần của văn hóa chính thống", Proyrungtong nhận xét.

Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM