Viện trưởng Viện chính sách Nông nghiệp: Thế giới ưa chuộng gạo chất lượng cao nhưng Việt Nam lại "thích" xuất khẩu loại dở nhất
Gạo Việt Nam đang cạnh tranh ở phân khúc thấp trên thị trường thế giới. Trong khi đó, chi phí vật tư ngày một cao, khiến sản phẩm khó cạnh tranh về giá. Trong khi đó, nhu cầu được ưa chuộng của thị trường quốc tế là gạo chất lượng cao.
Doanh nghiệp trong nước đang xuất khẩu loại gạo gì?
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chia sẻ về những việc cần làm của ngành lúa gạo “trước giờ G”: Quan trọng nhất là việc chuyển hướng sang trồng những loại gạo cao cấp hơn.
Qua khảo sát của cá nhân, ông Tuấn nhận thấy rất hiếm người Việt ăn gạo có giá dưới 10.000 đồng. Đồng thời, gạo cũng chịu sự cạnh tranh của những mặt hàng khác thay thế. Tiêu dùng gạo bình quân đầu người đang giảm nhanh hơn mức tăng dân số. Theo ông Tuấn, nếu ngành lúa không thay đổi, khả năng phục vụ thị trường trong nước cũng gặp khó khăn.
“Nhu cầu tiêu dùng nội địa đã đòi hỏi cao hơn trước. Rất ít người dùng loại gạo có giá 10.000 đồng. Trong khi đó, gạo 10.000 đồng này chính là loại để xuất khẩu. Gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại gạo dở nhất!”- ông Tuấn nói.
Tình hình còn phức tạp hơn khi khách hàng trên thế giới ưa chuộng gạo chất lượng cao. Điều này đã trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt vẫn xuất hiện ở phân khúc gạo chất lượng thấp và trung bình. Gạo Việt Nam sẽ còn tiếp tục mất lợi thế cạnh tranh về giá khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đang ngày một tăng cao.
Theo ông Tuấn, ngành lúa gạo phải thay đổi về chế biến theo hướng chế biến tinh, chế biến sâu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi đưa gạo Việt Nam lên đẳng cấp mới. Giờ G đã điểm và việc bây giờ là thực hiện.
Nguy cơ ở thị trường nội địa
Trên quan điểm kinh tế, bà Phạm Chi Lan đánh giá thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam vẫn là trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước phải làm mới mình và quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa vì sức ép cạnh tranh với gạo ngoại đang tăng lên.
“Thị trường trong nước vẫn là lớn nhất. Lâu nay rồi và bây giờ cũng thế. Chúng ta xuất khẩu một phần thôi, còn phần lớn là tiêu thụ trong nước. Nhu cầu trong nước cũng đang thay đổi. Cạnh tranh đang tăng từ các dòng gạo nước ngoài” – bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Để cạnh tranh tốt hơn, bà Lan nhắn nhủ các doanh nghiệp chú ý tới chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của gạo. Ban đầu, việc này có thể khó khăn do những vật tư như phân bón đang phụ thuộc vào nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng hạt gạo, sản xuất các sản phẩm chuyên biệt phục vụ đối tượng người già, ăn kiêng,... là việc nhất định phải làm.
Nhắc lại thực trạng hiện nay trong thương mại sản phẩm lúa gạo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Không thể chỉ đóng bao 50 kg. Từ gạo, phải chế biến thành những sản phẩm khác. Kể cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.Bên cạnh đó, cần phát triển thương hiệu doanh nghiệp gắn với sản phẩm gạo”.