Viện Phó CIEM: Bức tranh kinh tế tư nhân nhìn vào chính sách thì không hề sáng sủa!
Đây là nhận xét của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017: Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển chiều ngày 26/10.
Là diễn giả đầu tiên phát biểu, Viện phó CIEM đã phác thảo bức tranh về kinh tế tư nhân , nhưng không phải từ góc nhìn của người làm chính sách mà từ phía các doanh nghiệp.
Theo đó, ông chỉ ra một số rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân. Thứ nhất, đó là gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ pháp luật. Thứ hai, là rủi ro về pháp lý mà theo ông, ít khi được bàn đến. Thứ ba là độ an toàn trong kinh doanh.
“Mức độ an toàn của chúng ta hay nói đến là việc phi hình sự hoá các quan hệ kinh tế, nhưng chúng ta ít nói đến quyền tài sản, nếu doanh nghiệp không cảm thấy an toàn ở quyền này, họ sẽ không muốn kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Vấn đề thứ 4 được ông đưa ra là về cạnh tranh. Bởi môi trường thuận lợi nhưng nếu không có động lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng không phát triển được. Và cuối cùng vấn đề nằm ở khâu quản trị.
“Năm yếu tố này vẽ lên bức tranh khá ảm đạm. Hiện các Nghị quyết của Chính phủ mới chỉ tập trung giải quyết là thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, còn các vấn đề khác thì chưa thấy nói đến”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nói rõ thêm về những câu chuyện này, ông Phan Đức Hiếu cho biết các doanh nghiệp không tiên liệu được những thủ tục hành chính sẽ diễn ra như thế nào. Chính bởi vậy, nhiều doanh nghiệp có thể bị triệt tiêu.
Lấy ví dụ, Viện phó CIEM cho biết có doanh nghiệp muốn nhập vaccin về khi dịch bệnh xảy ra, họ ước tính 3 ngày là sẽ được thông quan, đảm bảo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì họ phải mất 5 – 7 ngày. “Hàng bị giữ lại, doanh nghiệp đối thủ đưa ra thị trường hàng hoá trước, khiến hàng khi được thông quan chỉ còn cách chờ hết hạn vứt đi. Rủi ro như vậy là rất lớn”, ông nói.
Bên cạnh đó, độ an toàn về quyền tài sản của Việt Nam đang rất kém. Số liệu thống kê cho thấy mức độ an toàn về quyền này ở Việt Nam chỉ đứng thứ 88/128 quốc gia, đặc biệt là mức độ về quyền tác giả, rất thấp, đáng báo động.
“Tôi suy nghĩ mãi, so sánh với các nước, quyền tác giả chúng ta chỉ hơn Nepal, Pakistan, Bangladesh, Myanmar. Tức là các nước không nên so sánh”, ông cho biết.
Chính sách cạnh tranh, chỉ số quản trị của Việt Nam cũng rất thấp, trên bảng xếp hạng của thế giới. Chính bởi vậy, ông Hiếu chia sẻ: “hình dung cá nhân, bức tranh nhìn vào chính sách thì không hề sáng sủa”.