Nợ chưa từng thấy, Mỹ đang tự gài bẫy kinh tế?
Mức độ nợ tiêu dùng tại Mỹ đang ở mức cao đỉnh điểm.
Ẩn dưới nền kinh tế ổn định của nước Mỹ là một số liệu khá đáng sợ: mức độ nợ tiêu dùng của quốc gia này hiện đã vượt mức trước Đại Suy thoái.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang ( FED ), tính đến tháng sáu, khoản nợ của các hộ gia đình tại Mỹ đã tăng thêm 500 tỉ USD so với 1 năm trước. Tổng nợ hộ gia đình hiện đạt 12,84 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng hai phần ba GDP.
Tỉ lệ tổng nợ quá hạn trong quý hai tăng ở mức ổn định 4,8%, tuy nhiên, FED đã cảnh báo về các giao dịch số dư thẻ tín dụng có thể trở thành nợ quá hạn.
Khác với nợ chính phủ có thể được đảo nợ liên tục, nợ tiêu dùng cần phải hoàn trả. Và mặc dù lãi suất cho vay chính thức của FED khá thấp, nhưng những khoản nợ thẻ tín dụng và nợ của các doanh nghiệp nhỏ vẫn không được thanh toán.
Michael Lebowitz, đồng sáng lập công ty phân tích thị trường 720 Global, cho biết nền kinh tế Mỹ đang ngấp nghé bên bờ vực.
Ông cho biết: “Phần lớn người tiêu dùng, đặc biệt là những người thuộc 80% dưới đáy, đã khánh kiệt. Họ vay mượn nhiều nhất có thể. Trả lãi cho những khoản nợ này sẽ trở thành gánh nặng đối với sự tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới. Tình hình sẽ không cải thiện cho tới khi lương tăng nhanh hơn chi phí lạm phát thực.”
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành hai chương trong Báo cáo Tài chính Toàn cầu Bền vững mới nhất của mình để nói về vấn đề nợ của các hộ gia đình. IMF nhận thấy rằng mức độ nợ cao khiến suy thoái kinh tế nặng nề và kéo dài hơn.
Nếu tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP ở mức từ 30% trở lên, nợ tăng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô. Rõ ràng, nước Mỹ đã vượt qua ngưỡng đó. Theo IMF, khi nợ hộ gia đình gia tăng, tăng trưởng GDP tương lai và mức tiêu thụ sẽ giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng so với các giá trị trung bình.
Theo báo cáo, những thay đổi trong nợ hộ gia đình tỉ lệ thuận với tỉ lệ tăng trưởng GDP thực tế ở thời điểm hiện tại và tỉ lệ nghịch với tỉ lệ tăng trưởng GDP thực tế trong tương lai.
Cụ thể, nếu nợ hộ gia đình tăng 5% so với GDP trong vòng ba năm, thì tỉ lệ tăng trưởng GDP thực tế trong ba năm tiếp theo sẽ giảm 1,25%.
Theo IMF, khi thị trường nhà ở gặp rắc rối và suy thoái xảy ra sau giai đoạn nợ hộ gia đình tăng mạnh, chúng sẽ trầm trọng và kéo dài lâu hơn.
Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này? Nếu tỉ lệ nợ hộ gia đình đạt đỉnh, thì hẳn sẽ có một giải pháp, đó là xoá nợ một phần. Với phương án này, ngay cả người cho vay cũng có lợi.
Báo cáo chỉ rõ: “Chúng tôi thấy rằng các chính sách của chính phủ có thể giúp ngăn chặn xu hướng các hoạt động kinh tế suy giảm bằng cách giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình quá mức.” Để làm rõ điểm này, báo cáo dùng chương trình tái cấu trúc nợ hộ gia đình tiến hành tại Mỹ trong những năm 1930 và tại Iceland ngày nay làm ví dụ.
Tình trạng nợ hộ gia đình cùng tăng vọt tại nhiều quốc gia ngay trước suy thoái toàn cầu không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các số liệu quá khứ đem đến những kết quả khá bất ngờ: trong 5 năm tính đến năm 2007, tỉ lệ nợ hộ gia đình so với thu nhập tăng từ mức trung bình là 39% lên 138% tại các nước phát triển. Ở Đan Mạch, Iceland, Ireland, Hà Lan và Norway, ở thời kỳ đỉnh điểm con số lên tới 200%.