Viện nghiên cứu Brookings: Việt Nam là một điểm sáng kinh tế trên thế giới nhờ Covid-19
Viện nghiên cứu chính sách công phi lợi nhuận Brookings có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ nhận định phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng kinh tế trong mắt bạn bè năm châu.
Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 1/2020. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này chỉ có 324 trường hợp dương tính với Covid-19 và không có trường hợp tử vong nào.
Theo Brookings, Việt Nam có được thành công này phần lớn nhờ vào cải tiến trong khả năng tiếp cận thông tin và năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng của hệ thống y tế quốc gia, theo dữ liệu từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả hành chính tỉnh (PAPI), các dự án chung giữa Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Tỷ lệ dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế ngày càng tăng theo thời gian, với 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế, cùng chất lượng bệnh viện được cải thiện liên tục. Về đại dịch Covid-19, Việt Nam có chính sách kiểm dịch hàng loạt miễn phí, cho thấy công dân Việt Nam không hề phải lo lắng về chi phí từ xét nghiệm đến nhập viện liên quan và kiểm dịch tập trung, do đó công tác kiểm dịch và xét nghiệm cũng trở nên thuận lợi hơn.
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tại Việt Nam từ 2011-2019 (%)
Tỷ lệ dân số tại các thành phố lớn ở Việt Nam tham gia BHYT (2011-2019)
Tính minh bạch trong các báo cáo COVID-19 từ Chính phủ cũng làm gia tăng lòng tin của người dân vào khả năng chống dịch của quốc gia. Bộ Y tế liên tục cập nhật thông tin về số ca nhiễm lên các phương tiện thông tin đại chúng, cho phép các nhà khoa học dữ liệu phân tích tình hình dịch bệnh.
Vào ngày 22/4, Việt Nam tuyên bố nới lỏng lệnh giãn cách xa hội trên toàn quốc, trừ một số khu vực được cho là có rủi ro lây lan dịch bệnh cao. Khẩu hiệu chống dịch chuyển từ "Chống dịch như chống giặc" thành "Sống bình yên với đại dịch, thiết lập một trạng thái bình thường mới". Vậy, đâu là triển vọng cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam?
Theo Brookings, câu trả lời nằm ở chiến lược thúc đẩy thị trường trong nước và tái định vị Việt Nam để có cơ hội thay đổi nguồn cung toàn cầu.
Để thúc đẩy thị trường nội địa, Việt Nam đã ban hành một loạt các biện pháp cứu trợ, bao gồm hoãn các nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ các khoản vay nhanh để doanh nghiệp trả lương cho nhân viên và tăng phúc lợi xã hội.
Chính quyền TP Hà Nội đã lập kế hoạch phối hợp với các tỉnh khác để thúc đẩy liên kết trong thị trường nội địa ở các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và hải sản. Mặc dù rất mong muốn khởi động lại nền kinh tế, ban lãnh đạo Hà Nội cũng nói rõ rằng việc phục hồi kinh tế phải được cân bằng với các mục tiêu y tế công cộng bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông và tiếp tục thực thi các quy định giãn cách xã hội.
Việt Nam đang nỗ lực tái định vị quốc gia để có cơ hội thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, khi Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì bản thân các doanh nghiệp Việt lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu và linh kiện. Do đó, Chính phủ luôn ủng hộ việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất, công nghệ và dệt may.
Viện nghiên cứu Brookings cho rằng dù Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới từ Covid-19, thì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ và phản ứng nhanh của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng kinh tế của thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2020 và đã thu hút được 8,6 tỷ đô la đầu tư nước ngoài trong quý đầu I/2020.