EVFTA: Việt Nam đang đứng trước cơ hội độc đáo sau khi quan sát làn sóng phát triển ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore
"Chúng ta đã thấy Nhật Bản đi từ một nước nghèo lên thành một cường quốc giàu có, tiếp đến là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, và sau đó là làn sóng phát triển ở Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Việt Nam đang phát triển muộn hơn tất cả những quốc gia này, và có thể hưởng lợi từ việc quan sát thành công và thất bại của các quốc gia đi trước", TS. John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam, nhìn nhận.
Tương lai nào sẽ đến với kinh tế Việt Nam sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)? Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, với những cam kết mạnh mẽ từ cả hai bên, Hiệp định EVFTA hứa hẹn mang lại những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều loại sản phẩm rẻ hơn do được miễn giảm thuế quan. Chất lượng cuộc sống nhờ đó mà được cải thiện, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị nơi những sản phẩm như vậy được bày bán.
Các mức miễn giảm thuế quan cũng sẽ áp dụng cho nhiều hàng hóa trung gian được nhập khẩu với mục đích lắp ráp và tái xuất sau đó. Việt Nam đã "có chân" trong nhiều chuỗi cung ứng và việc giảm chi phí sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước trong các chuỗi cung ứng đó.
Hiệp định EVFTA cũng có thể giúp thu hút thêm các khoản đầu tư từ nước ngoài. Đã có một số dự đoán cho thấy đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể ngay khi nguy cơ từ đại dịch giảm xuống.
Một điểm ít được đề cập đến hơn chính là vị thế của Việt Nam. Việc ký kết EVFTA không chỉ nâng cao vị thế kinh tế cho Việt Nam mà cả vị thế chính trị của đất nước. Các quốc gia khác sẽ tìm cách "cạnh tranh" với Việt Nam bằng cách ký kết các thỏa thuận tương tự cho nước họ trên cơ sở cân nhắc các điều khoản mà Việt Nam đã ký.
Sẽ có người thắng và kẻ thua
Tuy vậy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) về bản chất thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa lợi ích sẽ luôn được chia đều. Đồng thời, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải tất cả các bên liên quan đều có thể chuyển đổi một cách suôn sẻ.
Lấy ví dụ từ một FTA được nhiều người biết đến như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nhiều người xem hiệp định này là sự thua thiệt với Mỹ vì chính phủ nước này có vẻ đã không quan tâm đầy đủ đến việc cung cấp việc làm thay thế cho những người bị mất việc, đặc biệt là những người sinh sống ở các cộng đồng lệ thuộc vào ngành sản xuất và ở cách xa những thị trường việc làm khác.
Với hiệp định EVFTA, những người không thể chuyển đổi công việc (vì nhiều lý do như tuổi tác, điều kiện làm việc hay khả năng học kỹ năng mới) sẽ cần hỗ trợ. Vai trò của chính phủ là rất quan trọng thông qua đào tạo lại kỹ năng, tái định cư, cũng như tạo ra cơ hội mới cho những ai có khả năng tận dụng chúng.
Sẽ có một số doanh nghiệp cũng phải ngừng hoạt động vì bản thân họ thiếu khả năng thích ứng với những xáo trộn do thay đổi gây ra.
Cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng
Các lĩnh vực nòng cốt hiện nay của nền kinh tế (như dệt may và nông nghiệp) sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều năm nữa, nhưng sẽ có dư địa để phát triển thêm các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Chẳng hạn, việc kết hợp giữa đầu tư tư nhân và hỗ trợ của chính phủ đã giúp các công ty hạt điều Việt Nam cho ra mắt những thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngành sản xuất cà phê cũng đã nhận được những khoản tiền tương tự và ngành này có thể thành công hơn nữa nếu trọng tâm xuất khẩu chuyển dịch từ cà phê Robusta sang Arabica - giống cà phê có giá trị gia tăng cao hơn.
Các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang châu Âu nên bắt tay với một đối tác châu Âu có chuyên môn về thị trường phân phối địa phương (giống như các công ty nước ngoài vẫn thường làm khi đến Việt Nam).
Với những doanh nghiệp muốn cạnh tranh ở thị trường nội địa, một số sẽ tiếp tục cố gắng cạnh tranh hoàn toàn bằng chi phí thấp và sẽ có người vẫn thành công bằng cách này. Các doanh nghiệp khác thì có thể tận dụng hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như tiềm năng chuyển giao công nghệ.
Nhìn chung, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội độc đáo trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng mà giờ đây còn được thúc đẩy thêm bởi EVFTA. Chúng ta đã thấy Nhật Bản đi từ một nước nghèo lên thành một cường quốc giàu có, tiếp đến là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, và sau đó là làn sóng phát triển ở Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Việt Nam đang phát triển muộn hơn tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ này. Điều này bao hàm nhiều ý nghĩa và về mặt tích cực, đất nước và con người Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc quan sát thành công và thất bại của các quốc gia đi trước.