Viện công nghệ Mỹ lý giải: Ô tô dung tích 70l đi đổ xăng, đầy bình là 80l hoàn toàn có thể xảy ra

11/01/2018 14:46 PM | Công nghệ

Có khi nào chủ xe Honda Accord 70l sẽ phải xin lỗi chủ trạm xăng vì cho rằng ô tô của mình đổ đầy bình 80l là gian lận?

Vừa qua, câu chuyện tài xế đi ô tô dung tích 70l đến bơm xăng tại trạm số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, nhưng lại đổ 80l mới đầy bình đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Theo chủ xe, chiếc ô tô của anh hiệu Honda Accord có dung tích bình xăng là 70l (theo thông số từ nhà sản xuất), thông thường khi bơm xăng từ lúc bình sắp cạn đến khi đầy thì chưa bao giờ vượt quá 1 triệu 350 nghìn đồng.

Thế nhưng hôm nay khi đi đổ xăng, anh T. được cây xăng thông báo là phải trả 1 triệu 616 nghìn đồng cho gần 80l xăng. Ngỡ ngàng vì dung tích bình xăng chỉ 70l, nay đổ đến 80l mới đầy (tương đương phải đổ thêm 14,3%), anh T. thắc mắc với quản lý cây xăng thì nhận được câu trả lời chưa thỏa đáng.

Chủ xe cho rằng: "Dung sai bình xăng của nhà sản xuất có sai số, nhưng không thể nào sai số từ 70l lên 80l, mà là xe Honda của Nhật thì không thể nào có điều bất bình thường như vậy".

Trong khi đó, đại diện phía cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo khẳng định: "Việc chênh lệch xăng trước đây cũng đã từng xảy ra tại một cửa hàng của đơn vị tôi. Thông thường số lít của bình xăng ô tô được ghi trong quyển hướng dẫn sử dụng xe nhưng thực chất nó là để tham khảo, thể tích thực của nó thường lớn hơn. Cửa hàng chúng tôi trước nay chưa từng bị phản ánh việc gì về gian lận hay sai sót trong quá trình bán hàng".

Viện công nghệ Mỹ lý giải: Ô tô dung tích 70l đi đổ xăng, đầy bình là 80l hoàn toàn có thể xảy ra - Ảnh 1.

Honda Accord 2015 có dung tích là 65l theo nhà sản xuất

Không riêng gì Việt Nam, ngay cả lái xe tại nhiều nước trên thế giới cũng phải băn khoăn về vấn đề tương tự

Trường hợp điển hình là một người đàn ông sở hữu chiếc Toyota Camry đời 2000 tại Canada. Khi đưa chiếc Toyota Camry trong tình trạng gần cạn nhiên liệu vào một cây xăng ven đường, người đàn ông này khá bức xúc vì phải đổ trên 72 lít xăng cho bình xăng vốn có dung tích chỉ khoảng 70 lít.

Con số chênh lệch không đáng kể nhưng người đàn ông vẫn vào những diễn đàn của kỹ sư ô tô để xin trợ giúp. Cuối cùng, người đàn ông nhận được câu trả lời: việc bình xăng có khả năng chứa lượng nhiên liệu thực tế cao hơn so với thông số nhà sản xuất đưa ra là chuyện khá bình thường.

Ô tô dung tích 70l đi đổ xăng, có khi nào 80l mới đầy bình?

Chúng ta biết rằng, dù là ô tô hay xe máy thì bình xăng là một trong những bộ phận quan trọng đồng thời nguy hiểm nhất trên mỗi chiếc xe. Xăng là dạng chất lỏng có tính giãn nở nên bình chứa luôn phải có khoảng trống để phục vụ việc này. Khi nhiệt độ tăng do môi trường, lượng xăng trong bình cũng sẽ giãn nở ra.

Do đó, thiết kế chung là vị trí từ nắp bình xăng tới bình xăng và động cơ thường được đặt khá xa nhau. Chúng được liên kết với nhau bằng các ống nối dài và điều này cũng là một phần lý do khiến dung tích bình xăng do nhà sản xuất đưa ra luôn thấp hơn khả năng chứa thực tế.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính an toàn, giúp xe vận hành ổn định, không bị trào xăng ra ngoài gây cháy nổ nên dung tích của bình xăng trên thực tế thường nhiều hơn so với con số dung tích bình xăng nhà sản xuất đưa ra. Con số chênh lệch này có thể dao động từ 2 - 10l.

Ngoài ra, trong mỗi bình xăng đều được quy định một mực nhất định và người đổ xăng không nên đổ qua vạch này. Lý do là bởi những chất lỏng như xăng, dầu giãn nở vì nhiệt mạnh. Nếu đổ đầy bình hoặc tràn xăng, dầu - không để thừa một khoảng không gian cho khí giãn nở sẽ gây nguy hiểm cho cả người sử dụng và phương tiện.

Viện công nghệ Mỹ lý giải: Ô tô dung tích 70l đi đổ xăng, đầy bình là 80l hoàn toàn có thể xảy ra - Ảnh 2.

Ô tô dung tích 70l đi đổ xăng, có khi nào 80l mới đầy bình?

Hô đầy bình xăng...

Trên thực tế, nhân viên bán hàng khi được yêu cầu đổ đầy bình thường cố gắng bơm xăng đầy cho khách, do đó vô tình khiến mực xăng trong xe không đạt mức an toàn và vượt quá con số dung tích xăng mà chủ xe nhận được từ nhà sản xuất.

Từ đây dẫn tới những tranh cãi giữa khách hàng và nhân viên cây xăng. Ngoài ra, ở một số hãng xe cũ, trong thiết kế bình xăng xe hơi thường có một phần bình xăng phụ để dự trữ. Vì một lý do nào đó, ta đã sử dụng hết mức xăng dự trữ trong bình nên khi đổ xăng, xăng sẽ bơm vào cả phần dự trữ đó - khiến lượng xăng mua sẽ tăng cao hơn.

Chất lượng xăng khi bơm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm bạn bơm xăng. Nhiều người thường khuyên bạn nên đổ xăng vào buổi sáng, tránh buổi trưa và ban đêm do buổi trưa là thời điểm nhiệt độ tăng cao - khiến độ giãn nở của xăng tăng.

Buổi tối là thời điểm các trạm nạp xăng từ xe bồn - lượng xăng mới đổ vào do va chạm - sẽ tăng lượng không khí, từ đây, bộ đếm ở cây xăng tăng lên vì chứa cả khí.

Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ lý giải

Vào năm 2005, viện Tiêu chuẩn và Công nghệ của Mỹ có tên NIST từng đưa ra thông tin xác nhận về việc bình xăng có thể chứa nhiều hơn so với thông số thiết kế. Để giải thích cho việc này, NIST đưa ra bản báo cáo thử nghiệm cũng như lý do an toàn khiến các nhà thiết kế xe phải tạo ra những khoảng trống trong bình xăng.

Theo đó, nếu muốn xác định thông số thực của bình xăng, chúng ta phải loại trừ toàn bộ xăng có trong ống dẫn từ bình xăng tới động cơ và thậm chí là từ nắp bình xăng xuống đáy. Ngoài ra, một phần nhỏ của xăng nằm dưới đáy động cơ, nơi mà hệ thống hút xăng trong bình không thể hút tới, cũng không được tính.

Có một sự thật là nắp bình xăng luôn được thiết kế theo vòi bơm. Theo đó, khi đạt tới lượng nhiên liệu đủ theo thông số, vòi bơm sẽ tự ngắt và lượng xăng thừa ra sẽ được hút lại thông qua một ống nhỏ tích hợp trong vòi bơm và đưa trả về bể chứa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi vị trí chiếc xe đỗ bị dốc, nghiêng, lượng xăng sẽ được đưa vào nhiều hơn trước khi hệ thống đo áp suất của vòi bơm xăng nhận diện lượng xăng đã đủ.

NIST cũng đưa ra cảnh báo về việc nên sử dụng lượng xăng vừa đủ, theo đúng thông số nhà sản xuất đã công bố. Đồng thời, người dùng không nên dùng thông số này để tính toán lượng xăng thực tế mà bình chứa nhiên liệu có thể chứa.

Do đó, để một chiếc xe có thể chứa được hơn 10 lít xăng so với thiết kế, chủ xe có thể sử dụng cách bơm nhồi, ép, lắc xe cho lượng không khí trong bình thoát ra ngoài. Nhưng theo các chuyên gia, hành động này được khuyến cáo là không nên áp dụng.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM