Việc tỷ giá USD/VND tăng kỷ lục sẽ khiến những ai phải mở sâm panh ăn mừng?

28/11/2016 09:42 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều người lo ngại đồng VND sẽ mất giá. Thế nhưng với nhiều thành phần khác trong hệ thống kinh tế Việt Nam, đồng USD tăng mạnh giúp họ tự nhiên có những khoản tiền "như từ trên trời rơi xuống”

Trong thời gian vừa qua, tỷ giá USD/VND đã tăng liên tục và đã có bước tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại. Tính theo tỉ giá trung tâm ngày 25/11, 1 USD Mỹ đổi 22.137 VND.

Có thể nói, yếu tố tác động lớn nhất làm cho tỷ giá tăng “vùn vụt” thời gian qua chính là việc đồng USD đã tăng mạnh sau khi ông Donald Trump thắng cử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng như sau nhiều dự đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 14/12 tới.

Đồng USD tăng cũng đồng nghĩa với việc VND đang mất nhanh giá trị. Vì thế, những diễn biến vừa qua trên thị trường ngoại hối đã làm nhiều người nắm giữ VND không khỏi lo lắng về việc giá trị số tiền mình có đang bị giảm.

Thế nhưng với nhiều thành phần trong hệ thống kinh tế nước ta, USD tăng đến kỷ lục lại là một tin rất vui đến mức khiến họ phải mở sâm panh ăn mừng.

1. Bộ Tài chính – Bởi lẽ nợ quốc gia theo đó đã giảm bớt đi hơn 32.000 tỷ đồng

Đồng USD tăng giá đã khiến cho một loạt các đồng tiền khác giảm giá, trong đó có thể kể đến như đồng yên Nhật và đồng Euro. Thú vị thay, nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam bằng 2 đồng tiền này lại chiếm đến gần 50% (còn lại là nợ bằng USD và nợ bằng SDR – quyền rút vốn đặc biệt– khoản nợ hầu như không bị tác động bởi rủi ro tỷ giá).

Như vậy nếu bây giờ, các đồng tiền này cứ mất giá càng nhiều thì nợ nước ngoài tính theo giá trị tiền đồng ắt sẽ càng thấp. Điều này có nghĩa là quy ra đồng, tổng nợ quốc gia sẽ ít đi một khoản “kha khá” và Bộ tài chính có lẽ sẽ có lý do để ăn mừng.

Cụ thể, nếu lấy từ mốc lúc ông Donald Trump thắng cử, do VND vẫn gần như giữ nguyên giá trị thật của nó nên so với VND, đồng yên Nhật đã giảm 4,79%; đồng Euro đã giảm 1,13% còn đồng USD đã tăng đến 1,89%.


Tính toán của CafeBiz về tác động của thay đổi tỷ giá đến tổng giá trị nợ quốc gia

Tính toán của CafeBiz về tác động của thay đổi tỷ giá đến tổng giá trị nợ quốc gia

Dựa trên số liệu được công bố mới nhất về nợ công Việt Nam là 86 tỷ USD và dựa trên phân tỷ trọng nợ quốc gia Việt Nam theo loại tiền ở sơ đồ trên, chúng tôi tính ra rằng số nợ mà Việt Nam nợ bên ngoài tính theo tiền đồng đã giảm bớt đi hơn 32.000 tỷ đồng.

2. Các doanh nghiệp xuất khẩu như “chuột sa chĩnh gạo”

Việc đồng USD tăng còn là một rất vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Cần nhớ rằng, với câu chuyện xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, do VND vẫn là đồng tiền chưa chuyển đôi được nên 90% kim ngạch vẫn được thanh toán bằng USD và chỉ 10% kim ngạch là được thanh toán bằng ngoại tệ khác.

Vì thế, khi đồng USD tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu chắc chắn sẽ thu được nhiều tiền hơn và chẳng khác nào “chuột sa chĩnh gạo”.

3. Các doanh nghiệp nhậu khẩu nhập được hàng giá rẻ

Cuối cùng, đây phần nào cũng là tin vui với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước nhập hàng vào Việt Nam nhiều nhất. Trong cơn sốt tăng giá của USD, các đồng tiền của các quốc gia này đều bị giảm giá mạnh giống như đã phân tích về đồng Euro và Yên Nhật ở trên.

Qua đó, các doanh nghiệp nhập khẩu của Viêt Nam cũng được mua hàng hóa từ các nước này với giá rẻ hơn hẳn bình thường.\

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM