Tâm sự 'ba cùng' của nhân viên tín dụng

18/02/2015 17:40 PM | Nghề nghiệp

Vụng về, không biết cách làm hồ sơ vay đôi khi lại là những khách hàng thật thà. Chính những khách hàng gửi đến bộ hồ sơ quá chi tiết và đầy đủ có thể lại là những đối tượng ẩn chứa nhiều rủi ro.

Từ chiêu bài đếm cá, mượn heo

Trong một lần về Vĩnh Long, chúng tôi gặp bác Nguyễn Ngọc Ca, một chuyên viên kỳ cựu của Agribank đã nghỉ hưu tại xã Tân Ngãi (TP. Vĩnh Long). Câu chuyện giữa phóng viên với bác Ca xoay quanh chủ đề “cò tín dụng”.

Người cán bộ tín dụng già sôi nổi: “Cò suy cho cùng, tồn tại được là do người dân không tiếp cận được với nhân viên ngân hàng và cán bộ tín dụng của ngân hàng chưa biết xông xáo. Nếu người dân muốn vay và cán bộ ngân hàng gặp được nhau thì đội ngũ cò mồi không còn cửa”.

Nhưng để xông xáo được, theo bác Ca, thì không phải chỉ giỏi về mặt giấy tờ, nghiệp vụ. Đối với các trường hợp cho vay tại khu vực nông thôn, cách làm hiệu quả nhất là phải “cùng sống, cùng tính toán, cùng chia sẻ” với người vay vốn.

Bác Ca lý giải: “Người nông dân, nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ hầu hết chỉ biết làm ăn mà không biết trình bày. Kêu họ làm dăm bảy công lúa, nuôi ba bốn hầm cá tra thì họ làm được, chứ bảo họ trình bày một phương án vay thì rất ít người nói được. Nếu chỉ xem qua hồ sơ, thấy thiếu nhiều giấy tờ mà vội bỏ qua thì cả năm sẽ chẳng cho vay được khoản nào”.

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội đến tận nhà, vườn hướng dẫn nông dân làm thủ tục vay vốn.

Với kinh nghiệm làm việc trên 20 năm, bác Ca nhìn nhận, so với khu vực thành thị, cho vay tại khu vực nông thôn vừa khó mà vừa dễ.

Vì để thẩm định chính xác nông hộ có chí thú làm ăn hay không đôi khi người cán bộ ngân hàng phải bỏ nhiều công sức đến tận vườn, tận ruộng của người dân để kiểm tra.

Ở nông thôn, khác với khu vực thành phố, đa số người dân sống trong thôn ấp đều có quan hệ làng xóm. Vì vậy, muốn biết hộ dân sống tại địa phương thế nào chỉ cần lân la về xóm ấp hỏi thăm là biết được.

Một khi đã biết tường tận rồi thì không cần đặt nặng các tiêu chí giấy tờ mà có thể tư vấn hoặc làm luôn cho họ kế hoạch sản xuất kinh doanh để hoàn thành thủ tục.

“Tôi làm nhiều năm nên tôi biết. Lúc trước còn làm kinh tế hợp tác xã, có những lần tôi đã phải trực tiếp xuống tận ao nuôi để kiểm tra việc đếm cá giống thả xuống ao. Thường trong các vụ gian lận, chủ nhiệm hợp tác xã sẽ cấu kết với bên bán cá giống khi đếm lượng cá thả xuống ao. Mánh của các ông bán cá là đếm theo kiểu nhảy cóc: Một, hai, ba… con này tróc da… mười ba, mười bốn... Nếu mình không để ý là họ gian dối ngay, rồi căn cứ vào số cá mà cho vay thì không còn chính xác.

Bây giờ nông dân thì không đến nỗi như thế, nhưng mình là người cho vay vẫn phải tỉnh táo. Có những trường hợp, nói là vay vốn để nuôi heo, nuôi bò nhưng thực tế họ dùng vốn để làm việc khác. Lúc mình xuống kiểm tra, họ mượn bò, mượn heo của hàng xóm thả vào chuồng. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ phát hiện ra ngay.

Chẳng hạn, heo mới thả vào ắt sẽ lạ chuồng, hục hặc với heo cũ. Nếu máng ăn, nền chuồng thường xuyên sử dụng sẽ bám cặn, đóng váng, vì thế nói là nuôi vài ba tháng rồi mà nền chuồng, máng ăn quá sạch sẽ, mới mẻ là phải đặt dấu hỏi ngay”, ông Ca nói.

Đến những mánh gian dối hồ sơ

Khác với những kinh nghiệm cho vay nông hộ của bác Nguyễn Ngọc Ca, những chia sẻ về cho vay khách hàng cá nhân của các nhân viên tín dụng trẻ tuổi tại các tổ chức tín dụng khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng không kém phần thú vị.

Sau 4 năm làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh, Lê Thế Hiệp đúc rút: khi tiếp cận với một hồ sơ vay vốn khách hàng cá nhân, thông thường sẽ gặp phải 4 trường hợp có thể dẫn đến rủi ro.

Trong đó có thể là các trường hợp khách hàng nói dối, khách làm giả hồ sơ, khách không cung cấp thông tin đầy đủ hoặc thiếu nhiệt tình trong việc hỗ trợ thẩm định thực tế.

Ngoài ra, những trường hợp như khách vay tiền không quan tâm đến mức lãi suất, khách có nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc hoặc mỗi ngày đi một ô tô khác nhau… cũng có thể bị liệt vào “chế độ” bất thường.

Đối với từng trường hợp này, theo Hiệp đều cần phải tìm hiểu thật kỹ để có cách thức “3 cùng” hoặc “4 cùng” hợp lý.

Lấy ví dụ một cách dễ hiểu, Hiệp dẫn chứng trường hợp năm 2012, anh làm thủ tục cho vay đối với một khách hàng tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Khi mới tiếp xúc, khách hàng này nói rằng có nhu cầu vay 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh quán cà phê và nói rằng chưa bao giờ vay vốn tại ngân hàng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ vay vốn thì anh thấy khách hàng lập hồ sơ rất đầy đủ theo các yêu cầu mà ngân hàng đặt ra. Phần tài sản thế chấp được khách hàng đưa vào hồ sơ là giấy chứng nhận quyền sử dụng một căn nhà tại khu vực quận 4.

Nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ vì hầu hết khách hàng làm thủ tục vay lần đầu từ trước đến nay đều khó chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vay theo các tiêu chuẩn riêng của ngân hàng, Hiệp quyết định báo với cấp trên để nhờ công ty dịch vụ xác minh tài sản thế chấp là thật hay giả.

Sau 2 tuần, ngân hàng của anh phát hiện giấy tờ mà khách hàng dùng để thế chấp là giấy tờ được làm giả. Anh liên lạc lại với khách hàng thì vị khách này đã trốn biệt tăm. Và mọi giấy tờ khác sau đó cũng được xác minh là không hề có thật.

Hiệp chia sẻ, sau 4 năm làm việc, ít nhất có 3 lần anh vướng phải những vụ suýt lãnh đủ nợ, nhưng nhờ những kinh nghiệm tiếp xúc khách hàng, đồng thời nhờ vào những quan sát tinh tế trong quá trình làm thủ tục cho vay, anh đã tránh được những rủi ro mà khách hàng mang lại.

Như vậy, rõ ràng trong bối cảnh các ngân hàng chạy đua tăng trưởng tín dụng như hiện nay, những kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ nhân viên tín dụng có thể xem là tài sản quý báu nhất mà các ngân hàng cần phải trân trọng và có chính sách phát triển.

Ai cũng nghĩ các nhân viên ngân hàng là những người “ăn trắng, mặc trơn”, “ngồi máy lạnh, hưởng lương cao”, nhưng đằng sau những thứ hào nhoáng ấy là những cạm bẫy nguy hiểm mà chỉ những người từng lăn lộn với thị trường để kiếm khách hàng cho vay mới phần nào thấu hiểu: Làm ngân hàng cũng như làm dâu trăm họ.

>> Nhân viên ngân hàng 'đau đầu' vì đổi tiền mới cho khách

Theo Thạch Bình

Cùng chuyên mục
XEM