Làm sao để trở thành nhân viên Goldman Sachs, McKinsey?

21/05/2015 10:05 AM | Nghề nghiệp

Một thông tin đáng buồn là cách tốt nhất để gia nhập nhóm những công ty hàng đầu này là bạn phải tốt nghiệp từ một trong số ít những ngôi trường danh tiếng tại Mỹ hay Oxford và Cambridge tại Anh.

Nội dung nổi bật:

- Trở thành nhân viên của "bộ ba thần thánh" gồm: Công ty tư vấn, ngân hàng đầu tư và hãng luật hàng đầu luôn là ao ước của tất cả sinh viên trên toàn thế giới.

- Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để tối đa hóa cơ hội gia nhập vào những công ty dịch vụ hàng đầu như vậy?


Công ty tư vấn quản lý, ngân hàng đầu tư và các hãng luật là “bộ ba thần thánh” những lĩnh vực nghề nghiệp hàng đầu. Họ tuyển dụng tới 1/3 số lượng những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Họ thu hút tài năng với cam kết mức lương 100.000 USD và cơ hội kiếm được nhiều hơn thế.

Những công ty này cũng được cho là bàn đạp để tiến đến những điều tốt đẹp hơn. McKinsey nói rằng hơn 440 nhân viên cũ của họ hiện đang điều hành doanh nghiệp với doanh thu hàng năm đạt ít nhất 1 tỷ USD. Những nhân vật hàng đầu tại một số văn phòng chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới có không ít người là cựu nhân viên của Goldman Sachs. Các công ty công nghệ mặc dù đang “nổi như cồn” nhưng vẫn chưa thể gia nhập nhóm danh giá kể trên.

Điều này làm dấy lên câu hỏi: Làm sao để tối đa hóa được cơ hội gia nhập vào những công ty dịch vụ hàng đầu như vậy? Lauren Rivera đến từ trường quản lý Kellogg của Đại học Northwestern nói rằng đã dành hàng thập kỷ để nghiên cứu về cách những công ty này tuyển dụng. Kết quả, họ cho ra đời một cuốn sách với tựa đề “Pedigree: How Elite Students Get Elite Jobs” (Tạm dịch: Các sinh viên xuất sắc có được công việc danh giá bằng cách nào) như một cẩm nang hướng dẫn cách thức gia nhập vào nhóm ít ỏi những công ty danh giá trên toàn cầu.

Tốt nghiệp từ những ngôi trường danh giá

Một thông tin đáng buồn là cách tốt nhất để gia nhập nhóm những công ty hàng đầu này là bạn phải tốt nghiệp từ một trong số ít những ngôi trường danh tiếng tại Mỹ hay Oxford và Cambridge tại Anh. Các công ty này đã dành hàng triệu USD cho các sự kiện tuyển dụng. Tuy nhiên, bà Rivera cũng lưu ý rằng, họ vẫn từ chối hàng loạt sinh viên xuất sắc sau vòng phỏng vấn.

Vậy thực chất “chiêu” tuyển dụng của những công ty này là gì?

Lời khuyên quan trong nhất là hãy xem ai đang tuyển dụng bạn. Bất kể là công ty tư vấn, ngân hàng đầu tư hay công ty luật, họ đều thích tuyển những người có thể tạo ra doanh thu hơn là bộ phận nhân sự. Có một thực tế là người phỏng vấn hiếm khi dành quá 1 phút để xem những lá đơn xin việc. Thay vào đó, họ vận dụng những kỹ năng trong công việc hàng ngày để phỏng vấn.

Bắt đầu sẽ luôn là những câu nói xoa dịu bầu không khí, sau đó bạn sẽ giới thiệu qua về bản thân và cuối cùng sẽ bàn đến vấn đề công việc. Một mẹo nhỏ được Rivera đưa ra là hãy lắng nghe từng câu, từng chữ của người phỏng vấn và sau đó tâng bốc hình ảnh của họ như “người tốt nhất trong số tốt nhất”.

Tiêu chí quan trọng nhất để người phỏng vấn chọn lựa một ứng viên là “sự phù hợp”. Thông thường các nhà tuyển dụng thích những nhân viên “dễ chịu” hơn là những người kiệt xuất nhưng lại thích xáo trộn như Mark Zuckerberg. Ngoài ra, do đặc điểm công việc cần phải tiếp xúc nhiều với khách hàng nên ngoại hình là yêu cầu cần thiết. Họ cũng đánh giá cao những người có khả năng làm việc nhóm và có tính cách thân thiện với đồng nghiệp.

Ngoài ra, họ cũng sẽ rất ấn tượng với những ứng viên biết đặt câu hỏi ngược trở lại. Chính vì vậy, trước khi phỏng vấn, hãy cố nói chuyện với một nhân viên trong công ty để biết được văn hóa nội bộ. Trong trường hợp không thể tiếp cận được với người ở bên trong công ty, bạn cũng không nên tỏ ra mình là một người lập dị trong buổi phỏng vấn. Các nhà tuyển dụng thường nhiều lần nói với Rivera rằng họ tìm kiếm những người vừa có thể trở thành đồng nghiệp, vừa có thể là bạn bè của họ.

Chìa khóa thành công cuối cùng là biến bạn thành người “na ná” với nhân viên tuyển dụng. Điều này có nghĩa là hãy nhấn mạnh bất kỳ sự giống nhau nào mà bạn có thể tìm thấy giữa 2 người. Nếu người phỏng vấn nhìn thấy một phần phản chiếu của họ trong bạn, dĩ nhiên họ sẽ có ấn tượng tốt hơn về tên của bạn khi đưa ra quyết định.

Vẫn có những trường hợp ngoại lệ

Vậy với những người có tham vọng gia nhập top những công ty danh tiếng nhưng lại không may mắn tốt nghiệp từ các đại học danh giá thì sao? Như Rivera đã giải thích trong cuốn sách, ngay cả mối quan hệ với một người “vô danh” nhất trong công ty cũng có thể giúp đỡ bạn.

Ngoài ra, dù không tốt nghiệp từ một trường danh tiếng nhưng nếu biết “quảng bá” bản thân tốt thì bạn vẫn có cơ hội. Các nhà tuyển dụng thích nghe câu chuyện về những ứng viên cứng cỏi, dám đối mặt với thử thách chống lại những vấn đề khó khăn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến những tổ chức như Sponsors for Educational Opportunity, họ rất có kinh nghiệm trong việc giúp đỡ những ứng viên không xuất thân từ trường danh giá cộng thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

>> Làm sao để 'bán mình' thành công trong cuộc phỏng vấn xin việc?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM