Vị thế Trung Quốc ra sao trong mắt các nước trên thế giới?
Số liệu của tổ chức Confernce Board cho thấy tỷ lệ đóng góp GDP của Trung Quốc cho nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt qua Mỹ.
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2018?
Theo đó, Mỹ đóng góp khoảng 21,2% vào tổng GDP toàn cầu năm 1970 và con số này được duy trì cho đến năm 2000. Vào năm 2015, Mỹ chỉ đóng góp khoảng 16,7% cho tổng GDP thế giới và Conference Board dự đoán con số này sẽ giảm xuống 14,9% vào năm 2025.
Ngược lại, Trung Quốc chỉ đóng góp 4,1% cho GDP toàn cầu vào năm 1970 nhưng đã vươn lên mạnh mẽ 15,6% vào năm 2015. Kể từ năm 1990, tỷ lệ đóng góp GDP của Trung Quốc tăng đều qua các năm ngoại trừ năm 1998 khi nước này chỉ giảm 1%. Con số này được dự đoán đạt 17,2% vào năm 2025 và sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2018.
Tỷ lệ đóng góp GDP toàn cầu 1970-2025 (%)
Không riêng gì Mỹ, nền kinh tế Châu Âu cũng đóng góp ngày một ít hơn cho thế giới còn Ấn Độ dù có tăng trưởng nhưng vẫn còn chặng đường rất dài để đi.
Ngoài những nguyên nhân chính về thị trường bất động sản, các chính sách kích thích kinh tế hay đầu tư mạnh cho sản xuất, nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của thị trường ô tô là một trong những yếu tố chủ chốt khiến đóng góp GDP của Trung Quốc tăng mạnh như vậy. Năm 2016, Trung Quốc có 24,6 triệu chiếc xe hơi được bán, cao hơn nhiều so với mức 17,5 triệu chiếc ở Mỹ.
Trong những năm tới, các chuyên gia dự đoán ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc sẽ còn phát triển mạnh và đóng góp một khoản GDP vô cùng lớn cho nền kinh tế. Đi kèm với đó là sự phát triển của các ngành công nghiệp, dịch vụ khác, đưa tỷ lệ đóng góp GDP cho toàn cầu của nước này đi lên.
Những nước chọn Trung Quốc (đỏ) và Mỹ (xanh) là nền kinh tế số 1 thế giới
Trung Quốc trong mắt thế giới
Theo khảo sát của viện Pew, tình hình thế giới trong vài thập niên qua đã có những chuyển biến đáng kể với tốc độ bùng nổ mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc. Dù tỷ lệ người được khảo sát ghi nhận Mỹ là cường quốc kinh tế số 1 thế giới vẫn nhiều hơn Trung Quốc nhưng khoảng cách lại đang giảm dần.
Cụ thể, cuộc khảo sát tại 38 nước của Viện Pew cho thấy 42% số người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới trong khi con số này chỉ vào khoảng 32% đối với Trung Quốc. Tại Mỹ, có đến 51% số người cho rằng nền kinh tế của họ vượt trội so với Trung Quốc.
Khi được hỏi về ngôi vị số 1 của của nền kinh tế, có đến 24/38 quốc gia cho rằng Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, con số 12 quốc gia nhận định nền kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới hiện nay cao gấp đôi so với thời điểm năm 2014.
Hình ảnh tích cực của Trung Quốc đang bị hạ thấp trong mắt người dân Châu Á (%)
Điều khá kỳ lạ là rất nhiều nước tại Châu Á cho rằng Mỹ mới là nền kinh tế dẫn đầu thế giới hiện nay, tiêu biểu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia. Trong khi đó tại Châu Âu, các nước lại có xu hướng cho rằng Trung Quốc mới là đầu tàu kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tại 7/10 nước Châu Âu, người dân lại cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Nga và Australia. Điều này cũng dễ hiểu khi các quốc gia này có giao dịch thương mại khá lớn với thị trường Trung Quốc.
Trong vài năm trở lại đây, vị thế kinh tế của Mỹ đang bị ảnh hưởng khá nhiều trong mắt các đối tác thương mại và đồng minh, đặc biệt là ở Châu Âu. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự hồi phục mạnh mẽ của Trung Quốc đang khiến quan điểm về ngôi vị số 1 của Mỹ trong tư tưởng cử tri Châu Âu ngày một lung lay.
Những người dân của các nước phát triển như Đức, Anh, Tây Ban Nha hiện đều xem Trung Quốc là nền kinh tế số 1 thế giới chứ không phải Mỹ. Không riêng gì họ, các quốc gia như Canada, Brazil, Mexico và Philippines đều đang dần công nhận vị thế số 1 của chính quyền Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu.
Khoảng cách trong quan điểm tích cực về Mỹ và Trung Quốc của các nước trên thế giới đang dần thu hẹp (%)
Tại Châu Phi, hình ảnh của Trung Quốc khá tốt khi nước này đầu tư lượng lớn tiền vào đây. Trong đó, Nigeria dẫn đầu với 72% số người được hỏi nhận định tích cực về Trung Quốc. Tuy nhiên tỷ lệ này tại Ghana lại giảm từ 49% xuống 31% do những tranh cãi gần đây giữa 2 nước về hoạt động khai thác mỏ ở Ghana.
Ở Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc cũng có được hình ảnh khá tốt, trong đó cao nhất là Peru. Hiện có khoảng 24 quốc gia trên thế giới cho kết quả khảo sát tích cực về Trung Quốc.
Dẫu vậy tại Châu Á, tình hình có vẻ kém khả quan hơn trước những xung đột về lợi ích. Số người Hàn Quốc có quan điểm tích cực với chính quyền Bắc Kinh đã giảm và điều này diễn ra tương tự ở Indonesia và Ấn Độ.
Trong khi những nước như Australia gia tăng cảm tình với Trung Quốc khi có đến 64% số người được hỏi cho nhận định tích cực về chính quyền Bắc Kinh thì tại các quốc gia như Indonesia và Hàn Quốc, kết quả lại thực sự không khả quan. Số cử tri có cái nhìn tích cực về Trung Quốc tại Hàn Quốc đã giảm 27 điểm phần trăm kể từ mùa thu năm 2015 và hiện đang đứng ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Những quốc gia khác tại Châu Á như Nhật Bản cũng có cái nhìn xấu đi về Trung Quốc dù đây là đối tác thương mại lớn của nước này. Tỷ lệ cử tri Nhật có quan điểm tích cực về chính quyền Bắc Kinh đã giảm từ 55% năm 2002 xuống chỉ còn 13% hiện nay.
Tại Mỹ, hình ảnh của Trung Quốc lại đang ngày càng được cải thiện. Số người có ác cảm với chính quyền Bắc Kinh đã giảm từ 55% năm 2016 xuống 47% hiện nay.
Tỷ lệ lựa chọn nền kinh tế số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc của các nước (%)