Vi Thần - "Thiên tài toán học khiến Harvard khao khát" gây bất ngờ vì cuộc sống quá đạm bạc: Tuổi 32 không nhà, không xe, mức lương làng nhàng
Vi Thần sống rất kỷ luật, thường ăn bánh bao hấp và đậu hũ trong căng tin trường học. Ở tuổi 32, anh cũng chưa có nhà có xe riêng, mỗi tháng chỉ tiêu khoảng 1 triệu đồng.
Để miêu tả mức độ tài giỏi của Vi Thần, mọi người thường truyền miệng một câu nói: "Bài toán nào không biết thì hỏi giảng viên, giảng viên không biết thì hỏi Vi Thần, còn nếu Vi Thần cũng không giải được thì chắc chắn là đề sai". Bảng thành tích của Vi Thần dài vô tận với hàng loạt huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế từ thời còn đi học. Thậm chí, đại học Harvard của Mỹ đã rất nhiều lần "trải thảm đỏ" mời anh nhưng đều bị từ chối.
Thiên tài toán học Vi Thần
Vi Thần, tên thật là Vi Đông Dịch (sinh năm 1991), lớn lên trong một gia đình trí thức tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Bố mẹ anh đều là giảng viên của một trường đại học có tiếng tại Trung Quốc nên tình yêu đối với bộ môn toán học dường như đã được ngấm trong máu của Vi Thần.
Từ khi còn nhỏ, Vi Thần luôn dành thời gian để đọc những cuốn sách liên quan đến toán học và rất thích thú với các kiến thức mới trong sách. Những ký tự và con số của môn toán tưởng chừng như khô khan trong mắt người khác thì lại vô cùng thú vị đối với Vi Đông Dịch.
Mặc dù độ khó của các bài toán trong sách vượt xa hơn so với những gì anh được học ở độ tuổi đó, nhưng anh luôn có thể tìm ra cách để giải quyết chúng. Tư duy logic và khả năng phản biện của Đông Dịch đều giỏi giang hơn nhiều so với những người bạn cùng trang lứa.
Ngoài ra, anh cũng rất thích nghiên cứu các bài toán và vô cùng háo hức với việc giải các bài tập toán cùng với bố của mình. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang say mê với những trò chơi điện tử hoặc làm nũng trong vòng tay của bố mẹ thì anh đã có thể tự mình giải được các bài toán vô cùng khó.
Vào năm lớp 7, anh gặp được thầy Trương Vĩnh Hoa - người thầy tài giỏi đã dạy dỗ nên rất nhiều sinh viên của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Thầy đã cho phép Đông Dịch được tham gia vào đội tuyển luyện thi Olympic Toán học của trường và giúp anh nâng cao vốn kiến thức về môn toán của mình.
Khi theo học trong đội tuyển, anh tiếp thu rất nhanh và luôn tiến bộ vượt bậc so với các bạn khác. Bên cạnh đó, thầy Trương đánh giá rất cao sự kiên trì, nỗ lực của anh trong quá trình học tập, đồng thời thầy cũng nhìn thấy được niềm đam mê toán học sâu sắc của Vi Đông Dịch vào thời điểm ấy.
Đến Harvard cũng không có được Vi Thần
Vào tháng 7 năm 2008, khi Vi Đông Dịch đang học lớp 10, trong lúc các bạn học đang "đau đầu" với các môn học trên lớp thì anh đã đặt chân tới thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để tham dự Kỳ thi Olympic toán học Quốc tế lần thứ 49.
Đây là nơi những "thiên tài toán học" từ khắp nơi trên thế giới sẽ góp mặt để giành lấy ngôi vị quán quân của cuộc thi, tuy nhiên năm ấy họ đều đã thất bại trước Vi Đông Dịch. Điều đáng ngạc nhiên nhất là câu hỏi cuối của đêm chung kết khó đến mức đội phó dẫn đội tuyển quốc gia năm ấy của Trung Quốc đã phải mất 3 tiếng mới có thể giải được. Nhưng Vi Đông Dịch lại dễ dàng đạt được điểm tuyệt đối trong vòng chung kết và thuận lợi giành được huy chương vàng của cuộc thi. Tính đến thời điểm đó, trên thế giới chỉ có ba người đạt điểm tuyệt đối trong vòng chung kết và Đông Dịch là một trong ba người xuất sắc ấy.
Tháng 7 năm 2009, Vi Thần tiếp tục tham gia Kỳ thi Olympic toán học Quốc tế lần thứ 50 được tổ chức tại Đức. Trong kỳ thi đó, thí sinh được mệnh danh là "thần toán" Đào Triết Hiên tuy được rất nhiều người biết đến nhờ tài năng toán học của mình nhưng lại thất bại trước số điểm tối đa của Vi Thần trong cuộc thi.
Với thành tích có 1-0-2 này, Vi Thần đã được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh.
Năm 2013, khi học đại học năm 3, anh đã giành chiến thắng trong Cuộc thi toán học dành cho sinh viên đại học "Khâu Thanh Đồng" trong sự bất ngờ của nhiều người với bốn huy chương vàng và một huy chương bạc trong năm giải thi, đồng thời còn giành được giải thưởng Cá nhân toàn diện của cuộc thi.
Khi theo học tiến sĩ, anh đã xuất bản các bài báo nghiên cứu trên các tạp chí toán học nổi tiếng quốc tế, mỗi bài đều có giá trị tham khảo rất lớn. Sau khi tốt nghiệp, Đại học Harvard đã chi rất nhiều tiền để mời anh đến giảng dạy, nhưng anh kiên quyết từ chối và chọn ở lại Đại học Bắc Kinh để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp toán học của Trung Quốc.
Các tiết học của Vi Đông Dịch luôn nhận được sự chào đón của phần lớn các sinh viên ở Đại học Bắc Kinh. Với vốn kiến thức toán học phong phú của mình, anh luôn giảng giải các vấn đề một cách dễ hiểu và không hề khô khan.
Vi Đông Dịch là một người đam mê toán học chân chính và luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu toán học.
Cuộc sống giản dị của thần đồng toán học
Trong khuôn viên của Đại học Bắc Kinh, người ta thường thấy anh luôn đi một mình và dường như đang suy tư về điều gì đó.
Không chỉ nổi tiếng là huyền thoại toán học, Vi Thần còn khiến mọi người ngạc nhiên về lối sống giản dị, tập trung vào nghiên cứu toán học. Một số người thậm chí còn gọi anh là "giảng viên xấu trai nhất" trường.
"Trong số hàng nghìn sinh viên trong trường, bạn có thể nhận ra Vi Thần ngay lập tức vì dù là mùa nào, cậu ấy luôn mang theo chai nhựa 1,5 lít và bước đi nhanh. Có người hỏi tại sao làm vậy, cậu ấy nói đó là vì môi trường", Xiao- bạn của Vi Thần cho hay.
Theo Xiao, Vi Thần sống rất kỷ luật, thường ăn bánh bao hấp và đậu hũ trong căng tin. Ở tuổi 32, anh cũng chưa có nhà có xe riêng như nhiều bạn bè đồng trang lứa.
Phong cách sống này của anh khiến nhiều người thắc mắc liệu mức lương một thiên tài có nhiều đóng góp như vậy cho xã hội đã xứng đáng hay chưa.
Một người quen của Vi Thần đã giải đáp thắc mắc này cho dư luận, mỗi tháng Vi Thần kiếm được 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng). Cộng thêm trợ cấp và tiền thưởng, mức thu nhập hàng năm của anh có thể vào khoảng 600.000 NDT (khoảng 2,1 tỷ đồng).
So với mức thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc, mức lương của vị giáo sư này được coi là cao. Thế nhưng thực tế nếu xét về trình độ và những đóng góp của anh thì rõ ràng nó vẫn khá khiêm tốn.
Dẫu vậy, việc sống đạm bạc đơn giản là phong cách sống của thần đồng toán học này. Người nhà của Vi Thần từng tiết lộ anh rất tiết kiệm, chi phí hàng tháng chỉ 300 NDT (khoảng hơn 1 triệu đồng). Một cư dân mạng từng học tại Đại học Bắc Kinh cho biết Vi Thần hiếm khi mua đồ mới, thường ăn cơm bụi, ngay cả khi đi du lịch cũng thường ăn bánh mì và nước lọc là đủ.
Sau tất cả, Vi Thần vốn không bao giờ quan tâm đến tiền bạc và danh tiếng. Khi được hỏi về thành tích của mình, anh nói đơn giản rằng anh chỉ quan tâm đến toán học. Không theo đuổi danh vọng và sự giàu có, tham vọng của Vi Thần từ đầu đến cuối luôn là toán học.
Theo Toutiao