Vì sao Việt Nam chọn chôn lấp rác, dù hôi thối và tốn tài nguyên đất?
TS. Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều.
Vài chục nghìn tấn rác được chôn lấp mỗi ngày
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục có xu hướng tăng nhanh hơn giai đoạn trước.
Cụ thể, nếu năm 2010, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị là hơn 17.000 tấn/ngày thì năm 2014, con số này lên tới 32.000 tấn. Chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh một ngày lần lượt là 6.420 tấn và 6.789 tấn.
Đáng lưu ý để xử lý số rác thải “khổng lồ” này, hiện Việt Nam vẫn sử dụng đến 80% công nghệ chôn lấp.
Loại công nghệ này chỉ có một ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, chi phí đầu tư và vận hành thấp nhưng nhược điểm là rất lớn, nó chiếm nhiều diện tích đất, khó kiểm soát nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, mùi hôi khu vực xung quanh bãi chôn lấp…
Mới đây, TP.HCM đã chính thức công bố, mùi hôi thối mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Công ty VWS – Chủ đầu tư bãi rác Đa Phước từng quảng cáo công nghệ áp dụng tại bãi rác Đa Phước là “mới nhất, tiên tiến nhất” tương tự cách làm của họ tại tiểu bang California (Mỹ). Tuy nhiên, thực tế sau gần 10 năm hoạt động, VWS chưa thực hiện phân loại, tái chế mà chôn lấp toàn bộ với công suất hơn 5.000 tấn rác một ngày - chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố.
Tại Hà Nội, toàn bộ rác thải phát sinh của thành phố được tập xung xử lý tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý, vân hành.
Tương tự như bãi rác Đa Phước, bãi rác lớn nhất Hà Nội vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp (70-80%). Rác thải chủ yếu được thu gom, vận chuyển bằng xe cuốn ép chất thải rắn thùng kín.
Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn. Hồi cuối tháng 5/2016, lãnh đạo Hà Nội đã phải có buổi trực tiếp đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho những người dân nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác này.
Vì… rẻ nên được chuộng?
Trả lời câu hỏi của BizLIVE, vì sao các xử lý rác thải ở Việt Nam hầu hết đều sử dụng phương pháp chôn lấp, dù công nghệ này lạc hậu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và người dân, ông TS. Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều.
“Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển vẫn áp dụng mặc dù công nghệ này không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường”, ông Tùng cho biết.
Ông Tùng cũng cho hay, bất cập lớn hiện nay ở những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng lại không làm tầng lót đáy cho tốt. Điều này dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi thối.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, trong điều kiện đất đai không có nhiều thì giải pháp công nghệ chôn lấp là giải pháp trước mắt. Nhiều nước họ cũng chuyển qua sử dụng công nghệ khác vì diện tích đất hạn hẹp.
“Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vẫn là chủ yếu là phương pháp này vì nó rẻ, họ vẫn tưởng như còn quỹ đất nhưng thực ra quỹ đất hết sức hạn chế và tôi nghĩ rằng, các địa phương hiện này cũng không ai muốn mở bãi rác chôn lấp nữa”, ông Tùng nói và cho biết, hiện Chính phủ đang yêu cầu có biện pháp để sử dụng công nghệ mới, hợp lý thay vì phương pháp này.
“Hà Nội cũng đang thử nghiệm một nhà máy đốt rác để lấy lại năng lượng. Đó là xu thế chung của thế giới và điều này cần áp dụng và nhân rộng ở Việt Nam”, ông Tùng nhấn mạnh.