Vì sao Trung Quốc khơi mào làn sóng tẩy chay Boeing 737 MAX?

14/03/2019 09:04 AM | Xã hội

Cơn ác mộng thực sự đã xảy đến với Boeing sau khi Trung Quốc, thị trường hàng không lớn thứ 2 thế giới quyết định tẩy chay dòng Boeing 737 MAX 8.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ra lệnh cấm bay đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8, chỉ một ngày sau thảm kịch kinh hoàng xảy ra đối với chiếc máy bay mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopia, khiến 157 người thiệt mạng hôm 10/3. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, với quyết định này, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp rằng Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không còn là cơ quan có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong ngành hàng không dân dụng thế giới.

Sau khi Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) yêu cầu hơn chục hãng hàng không của nước này ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 MAX 8, một loạt quốc gia như Ethiopia, Indonesia, Mông Cổ, Singapore và Hàn Quốc ngay lập tức có động thái tương tự. Tiếp đến, các hãng hàng không của Châu Mỹ Latin, Liên minh châu Âu cũng tạm thời không để Boeing 737 MAX 8 cất cánh. Theo SCMP, tính đến ngày 12/3, đã có ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ đình chỉ hoạt động của dòng máy bay này.

Xuất phát từ động cơ chính trị?

Tờ SCMP cho biết, động thái của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ bởi nước này thường nghe theo các khuyến nghị từ FAA. Quyết định của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang làm gia tăng áp lực lên Boeing và quan chức Mỹ, trong khi cuộc điều tra vụ tai nạn ở Ethiopia mới bắt đầu. Đây cũng được coi là đòn giáng mạnh vào tập đoàn Boeing, nhà sản xuất máy bay khổng lồ có trụ sở tại Chicago bởi Trung Quốc tiêu thụ khoảng 20% số Boeing 737 Max 8 được giao trên toàn thế giới. MAX là phiên bản mới của Boeing 737, được đưa vào vận hành vào tháng 5/2017. Đối với Boeing, MAX là “con gà đẻ trứng vàng”. Ngoài 350 chiếc đã bán ra thị trường, tập đoàn này còn nhận được đơn đặt hàng thêm 4.661 chiếc nữa.

Theo giới chức Trung Quốc, động thái nêu trên được thực hiện sau nhiều tháng Bắc Kinh chỉ nhận được lời giải thích không rõ ràng từ giới chức Mỹ và Boeing về những nghi vấn an toàn đối với dòng Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn máy bay tại Indonesia tháng 10/2018. Ông Andrew Herdman, Tổng Giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương cho rằng: "Sự khác biệt về quan điểm sẽ khiến FAA chịu thêm áp lực phải trình bày rõ lập luận của mình và đề xuất cách xử lý".

Hiện các nhà điều tra vẫn chưa kết luận có mối liên hệ giữa vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Ethiopia và vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air (Indonesia) hay không, vì thế theo một số chuyên gia, quyết định của Trung Quốc ngay lập tức cấm bay với phi đội Boeing 737 MAX 8 dường như đi chệch với thông lệ. Neil Hansford, nhà tư vấn hàng không tại tổ chức Giải pháp chiếc lược hàng không (Strategic Aviation Solutions) cho rằng, quyết định của Trung Quốc một phần mang động cơ chính trị bởi căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ.

Theo ông Hansford, chính phủ Trung Quốc có đủ lý do để “ra tay trước”. FAA đã thể hiện sự miễn cưỡng khi phải áp dụng biện pháp cứng rắn đối với một nhà sản xuất lớn của Mỹ và việc Trung Quốc đưa ra biện pháp mạnh trước FAA là điều dễ hiểu, ông nói. “Nếu chiếc máy bay gặp nạn là máy bay của Airbus (thuộc Châu Âu) chẳng hạn, FAA sẽ chẳng ngần ngại đưa ra phản ứng mạnh”.

Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có ảnh hưởng quyết định nêu trên hay không, Phó giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc Li Jian đã bác bỏ điều này và khẳng định căng thẳng thương mại là “một vấn đề riêng biệt”.

Tạo lợi thế cho ngành hàng không nội địa

Việc Trung Quốc cấm bay đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy tính cạnh tranh của ngành công nghiệp hàng không những năm gần đây và một trong những mục tiêu là sớm cung cấp máy bay C919 cho các tập đoàn hàng không trên toàn thế giới.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), nhà thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay chở khách C919 đã bắt đầu xây dựng trung tâm đào tạo dịch vụ chăm sóc khách hàng tại khu vực Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Trung tâm này dự kiến sẽ đào tạo tiếp viên hàng không, nhân viên bảo trì máy bay và nhân viên điều phối dịch vụ, luôn sẵn sàng đảm nhận công việc khi C919 được tung ra thị trường.

Xét về phương diện kỹ thuật, C919 không phải là chiếc máy bay đỉnh cao về công nghệ bởi nó mất thời gian dài thử nghiệm kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2017. Vậy điều gì khiến Trung Quốc kỳ vọng loại máy bay này có thể cạnh tranh với dòng 737 MAX 8 của Boeing và A320 của Airbus? Câu trả lời là giá thành. Mỗi chiếc C919 có thể rẻ hơn 10% so với hai đối thủ trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, COMAC đã gặp phải nhiều rào cản trong kế hoạch mở rộng thị trường đối với C919, một phần do FAA đã từ chối cấp chứng nhận cho máy bay này và không chấp nhận cho C919 thực hiện các chuyến bay thậm chí là bay thử nghiệm trên lãnh thổ Mỹ.

Trung Quốc cũng phải gánh hậu quả

Cái giá phải trả cho quyết định của Trung Quốc cấm bay đối với Boeing 737 MAX 8 không hề rẻ. Ngành công nghiệp du lịch hàng không của Trung Quốc là một trong những ngành bận rộn nhất trên toàn cầu. Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính trong số 10 sân bay bận rộn nhất thế giới năm 2018 thì sân bay quốc tế Bắc Kinh đứng thứ 2 và sân bay Quốc tế Phố Đông - Thượng Hải đứng số 9.

Nhiều hãng hàng không của Trung Quốc đã phải ngừng vận hành máy bay Boeing 737 MAX 8. Trong số này có những hãng hàng không có lịch trình bận rộn và thường khai thác hết công suất như Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Hainan Airlines. Thống kê cho thấy đã có 29 chuyến bay quốc tế và nội địa đã bị hủy riêng trong ngày 12/3, ước tính hàng trăm chuyến bay khác cũng sẽ bị hủy trong tuần tới, ngay cả khi các hãng hàng không linh hoạt thu xếp cho khách hàng đổi chuyến để tránh gián đoạn dịch vụ. Với việc đình chỉ hoạt động của Boeing 737 MAX 8, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ bị thiệt hại hàng triệu USD vì phải hoàn trả vé hoặc sắp xếp lại lịch trình cho khách hàng.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM